Trong tháng 1/2023, thị trường trái phiếu ghi nhận duy nhất một lô phát hành riêng lẻ của CTCP Đầu tư Phan Vũ với giá trị 110 tỷ đồng và tháng 2 có 3 lô tổng trị giá 2.000 tỷ. Đến tháng 3, thị trường đã nhanh chóng trở nên sôi động khi NĐ08/2023/NĐ-CP được ban hành.
Chỉ trong vòng 2 tuần (từ 6/3 – 17/3), hàng loạt lô trái phiếu có giá trị hàng nghìn tỷ đồng đã phát hành thành công với tổng giá trị 23.075 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), từ đó nâng giá trị trái phiếu phát hành từ đầu năm đến nay lên hơn 25.000 tỷ đồng.
Nguồn ảnh: Internet.
Trên thực tế, giá trị phát hành chủ yếu tập trung trong thời gian từ 10/3-17/3. Trong đó, ngày 10/3, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An “nổ súng” đầu tiên với thông báo đã phát hành thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 10/3/2024, lãi suất 13%/năm, là loại lãi suất kết hợp (kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi). Trong 10 tháng kể từ khi thị trường trái phiếu bị siết chặt, Nam An trở thành doanh nghiệp có lô trái phiếu có giá trị lớn nhất được phát hành thành công.
Cùng với đó, Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas đã phát hành 23.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng có kỳ hạn 60 tháng, huy động 2.300 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có lãi suất kết hợp giữa cố định 6%/năm và thả nổi. Doanh nghiệp không đề cập mục đích phát hành.
Ngay sau đó, liên tục 3 lô trái phiếu có giá trị hơn 4.000 tỷ đồng đã được phát hành, đến từ Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living, Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam, Đầu tư và phát triển Đô thị Hưng Yên. Tất cả đều là công ty kinh doanh bất động sản và đều phát hành riêng lẻ.
Trước đó, Công ty phân phối HDE, CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đô và CTCP Thương mại sản xuất và Đầu tư Hà Thành chỉ phát hành các lô trị giá nhỏ (40 – 45 tỷ đồng).
Ngày 5/3/2023, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành với 4 điểm đáng chú ý: Thứ nhất, NĐ08 tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành (TCPH) thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của trái phiếu, quan trọng là việc gia hạn thời điểm đáo hạn. Việc thỏa thuận gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ thành công thấp do trước đó một số TCPH đã tự thỏa thuận với trái chủ nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể. Thứ hai, NĐ08 cho phép TCPH thanh toán nghĩa vụ nợ và lãi trái phiếu bằng các tài sản hợp pháp khác. Giải pháp này cũng mở ra một lựa chọn khả thi cho DN (trong trường hợp trái chủ đồng ý) đặc biệt là trong bối cảnh nhiều DN đang gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay. Tuy nhiên, việc thỏa thuận có được trái chủ chấp thuận hay không sẽ phụ thuộc vào các điều khoản cụ thể, bao gồm tính pháp lý, định giá của các tài sản mà DN đưa ra thanh toán cho các trái chủ. Thứ ba, qua việc hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối nhằm tăng tỷ lệ phát hành TPDN thành công thông. Thứ tư, giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến 1/1/2024 sẽ giúp tăng khả năng tiếp cập huy động vốn qua kênh phát hành TP riêng lẻ đối với một số doanh nghiệp DN. |