Thành Phong ·
18 tuần trước
 8807

Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ chế biến đất hiếm

Trung Quốc mới đây vừa bổ sung công nghệ sản xuất đất hiếm và nam châm vào danh sách hàng hóa cấm xuất khẩu nhằm bảo vệ vị thế thống trị thị trường đất hiếm thế giới của mình.

Trung Quốc đã giữ vai trò thống trị trong việc khai thác và chế biến các nguyên tố đất hiếm trong suốt 30 năm qua. Nhưng những năm gần đây, vị thế này của Bắc Kinh đang bị đe doạ khi nhiều nước phương Tây đang cố gắng xây dựng dây chuyền xử lý đất hiếm của riêng mình, để nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc.

Vì thế, mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành văn bản bổ sung công nghệ sản xuất đất hiếm và nam châm vào danh sách hàng hóa cấm xuất khẩu.

Trung Quốc đã thành thạo quy trình chiết xuất dung môi tinh chế đất hiếm, điều mà không nhiều quốc gia làm được.

Quy định này của Trung Quốc tuy không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các sản phẩm đất hiếm, nhưng có thể làm suy yếu sự phát triển của ngành này bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Mỹ thời gian qua đã liên tục đưa ra các biện pháp nhằm tăng nguồn cung loại khoán sản này từ trong nước và ở các quốc gia đồng minh. Đáp lại, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu gali, germani và than chì, vốn là những nguyên liệu được sử dụng trong chip và máy tính.

Trung Quốc vốn chiếm gần 70% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu và gần 85% công suất xử lý toàn cầu trong năm 2022. Từ trước cho đến nay cũng không hề có bất cứ nhà máy chế biến đất hiếm quy mô lớn nào nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Điều này giúp các công ty nghiên cứu và sản xuất đất hiếm Trung Quốc chiếm được lợi thế đáng kể về công nghệ và kinh nghiệm trong khai thác và chế biến, trong khi trình độ của các quốc gia khác lại rơi vào tình trạng ngày càng giảm sút.

Đất hiếm gồm 17 kim loại có tính chất hóa học tương tự nhau, do sở hữu từ tính và cách thức phản ứng với ánh sáng đặc biệt nên được sử dụng rộng rãi cho xe điện, turbin gió cùng nhiều thiết bị điện tử. Chúng chia thành hai nhóm chính là đất hiếm nhẹ (LREE, từ lanthanum đến europium) và đất hiếm nặng (HREE, từ gadolinium đến lutetium).

Và Trung Quốc là nước duy nhất sở hữu tất cả 17 kim loại đất hiếm, đồng thời lại thành thạo quy trình chiết xuất dung môi tinh chế loại khoáng sản quan trọng này, công nghệ mà phương Tây khó triển khai vì tính phức tạp và lo ngại ô nhiễm môi trường.

Giám đốc điều hành công ty xử lý đất hiếm Ucore Rare Metals Pat Ryan nhận định: "Sẽ cần có công nghệ mới để vượt qua thế kiểm soát của Trung Quốc".

Theo công ty tư vấn Benchmark Mineral Intelligence, 99% HREE toàn cầu do Trung Quốc tinh chế. Dây chuyền hiện tại của phương Tây chỉ xử lý được LREE.