Minh Anh ·
1 năm trước
 9239

Cơ hội việc làm cho người dân tại dự án Sân bay Long Thành

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho dự án sân bay Long Thành, giải quyết việc làm cho người dân vùng dự án, tỉnh Đồng Nai đã chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu, trên cơ sở đó xây dựng Đề án Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người dân.

Ngày 29/7, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai thông tin, theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ cần khoảng 13.800 lao động, trình độ từ phổ thông đến trên đại học, trong đó nhiều nhất là đại học với khoảng 5.000 lao động, chiếm khoảng 40% tổng số lao động phục vụ dự án. Số còn lại là lao động phổ thông, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm cấp quốc gia đặc biệt lớn. Khi sân bay hoàn thành, ngoài sử dụng nhiều lao động trình độ cao, đảm nhiệm các nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực hành không, sân bay cũng cần nhiều lao động phổ thông và những người trình độ dưới cao đẳng để đảm nhận các công việc khác nhau.

Tuy nhiên, ngành hàng không có tính chất đặc thù, người học phải có trình độ đầu vào nhất định và cơ sở giáo dục phải được cấp phép của cơ quan chuyên môn mới thể đào tạo.

Ảnh minh họa. (Ảnh:  Ảnh: SƠN ĐỊNH - QUAN G ĐỊNH)

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai, nguồn nhân lực phục vụ Sân bay Long Thành là vấn đề được ngành chức năng, người dân Đồng Nai rất quan tâm. Bởi quá trình triển khai dự án, hàng nghìn hộ tại địa phương đã nhường đất để nhà nước xây dựng sân bay, con em các gia đình mong muốn sau này được vào sân bay làm việc.

Thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam về nhu cầu nhân lực phục vụ sân bay, đồng thời có văn bản đề nghị Viện Khoa học-Công nghệ hàng không Việt Nam hỗ trợ xây dựng dự thảo Dự án Đào tạo nhân lực hàng không chất lượng cao.

Cụ thể, Sở đã làm việc với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và tháng 6/2023, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (tại H.Long Thành) đã ký hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) đào tạo 4 ngành nghề là: nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không; nhân viên khai thác mặt đất. Năm học 2023-2024 sẽ đào tạo khóa đầu tiên.

Ngoài ra, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đang hợp tác với Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (trụ sở tại TP.Hà Nội) đào tạo một số ngành trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không. Trong năm học này sẽ tuyển sinh các nghề: kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, kỹ thuật sửa chữa cấu trúc máy bay, logistics trong lĩnh vực hàng không.

Cũng theo Sở LĐ-TBXH, lao động phục vụ cho ngành hàng không là đặc thù, người học phải có trình độ đầu vào nhất định và cơ sở đào tạo phải được cấp phép của cơ quan chuyên môn là Cục Hàng không Việt Nam. Do vậy, không phải ai muốn cũng học được và trường nào cũng có thể đào tạo. Chẳng hạn, sinh viên chuyên ngành hàng không phải trình độ Anh văn TOEIC 450 thì mới được học.

Ngoài lực lượng lao động liên quan trực tiếp đến sân bay, khi dự án này đi vào hoạt động sẽ kéo sự phát triển của các khu công nghiệp, khu dịch vụ hậu cần, khu thương mại khác.

Cũng theo lãnh đạo H.Long Thành, địa phương đang xây dựng Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị Long Thành, trong đó có sân bay. Huyện đã lập tổ thực hiện đề án, trong đó thành viên bao gồm cả các trường nghề, trường THPT trên địa bàn. Đối tượng của đề án khá rộng, bao gồm lao động địa phương và toàn tỉnh.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, thông tin cho người dân, học sinh biết về các ngành nghề có nhu cầu khi sân bay đi vào hoạt động, các điều kiện, đặc biệt là ngoại ngữ. Vị lãnh đạo này cho rằng, nếu có sự phối hợp chặt chẽ từ đơn vị sử dụng lao động là cần bao nhiêu nhân lực, ngành nghề, giai đoạn nào huyện sẽ dễ tuyên truyền, làm việc với các trường hơn. Đây cũng là giải pháp đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Rõ ràng nhu cầu và cơ hội việc làm trong tuơng lai là có, song việc biến đó thành hiện thực đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên trong cung cấp thông tin về nhu cầu, điều kiện. Thông tin này càng cụ thể thì học sinh càng dễ lựa chọn nghề, cơ sở đào tạo cũng có phương án bổ sung hoặc liên kết đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu, còn đơn vị sử dụng lao động cũng có được người lao động tại chỗ, chất lượng.

Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người dân, học sinh trên địa bàn về nhu cầu, ngành nghề, cơ hội việc làm tại Sân bay Long Thành.

Tỉnh cũng sẽ làm việc cụ thể với Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các công ty sử dụng lao động để liên kết, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực cho sân bay, đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp, khu cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng, khu thương mại dịch vụ lân cận Sân bay Long Thành.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6682605458465820/