Loạt doanh nghiệp hưởng lợi
Ngày 1/8 vừa qua, ACV đã chính thức công bố liên danh nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 tại dự án sân bay Long Thành. Theo đó, chỉ duy nhất liên danh Vietur đủ điều kiện đi tiếp vào vòng đánh giá năng lực tài chính (lễ mở hồ sơ sẽ được tổ chức trong ngày 4/8/2023).
CTCP Chứng khoán VnDirect nhìn nhận, sân bay Long Thành sẽ là động lực tăng trưởng đối với các doanh nghiệp xây lắp và đá xây dựng giai đoạn 2023-2026. Trong dự án thành phần 3 của SBLT giai đoạn 1, VnDirect nhận thấy có các gói thầu đáng chú ý, bao gồm: Gói 3.4 - thi công san nền và thoát nước; gói 6.12 - xây dựng các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành; gói 5.10 - xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách; gói 4.6 & 4.7 - xây dựng đường cất, hạ cánh và đường lăn sân bay; gói 4.8 - xây dựng các tuyến đường nội khu sân bay Long Thành; các gói thầu còn lại chủ yếu có quy mô nhỏ hơn, bao gồm tư vấn giám sát, tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, thi công tường vây, bảo hiểm công trình…
Liên danh Vietur đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10, dự án sân bay Long Thành. Gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách này có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, là gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành.
Việc gói thầu lớn nhất - 5.10 dự kiến được khởi công trong tháng 8/2023 cũng sẽ giúp các gói thầu khác sớm được triển khai trong thời gian tới. Theo ACV, công ty kỳ vọng dự án sẽ hoàn thành trong năm 2026, chậm hơn kế hoạch ban đầu là năm 2025.
VnDirect tin rằng sân bay Long Thành một khi hoàn thành sẽ giúp các doanh nghiệp cảng hàng không, dịch vụ hàng không và hãng hàng không cũng được hưởng lợi. Ngoài ra, sân bay Long Thành cũng là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây dựng - vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2023-2026, đặc biệt là ngành đá xây dựng.
"Do đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Do đó, những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng (giao thông, khu công nghiệp, dân cư) hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy - có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển. Chúng tôi tin rằng cụm mỏ Tân Cang (Đồng Nai) sẽ là nguồn cung cấp chính đá xây dựng cho dự án SBLT nhờ sở hữu vị trí gần công trường nhất và chất lượng đá tốt", VnDirect phân tích.
Dù vậy, VnDirect vẫn lưu ý rủi ro giảm giá với nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng là giá nguyên vật liệu tăng cao và giá nguyên liệu đầu vào và thuế tài nguyên môi trường ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp trong ngành.
'Sức khỏe' liên danh Vietur thi đấu gói thầu hơn 35.000 tỷ
Được biết, Liên danh Vietur gồm 10 thành viên, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại-Xây dựng ICISTAS đứng đầu. ICISTAS thuộc IC İbrahim Cecen Investment Holding, thành lập năm 1969. Đơn vị này có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến cảng, sân bay, năng lượng,... tại khu vực các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nga... trong đó có các sân bay quốc tế lớn tại các nước Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari...
Trong liên danh này có sự xuất hiện của 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons là Newtecons, Ricons và SOL E&C.
Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Ricons, thành lập năm 2004, hiện ông Nguyễn Sỹ Công - Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trần Quang Quân - Tổng Giám đốc. Một số dự án lớn do Ricons trúng thầu như The Manor Central park 1 và 2 - Hà Nội, dự án SLP - Hải Phòng, The River Thủ Thiêm, Celadon A5 Diamond Brilliant, Imperia Smart City…
Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons thành lập năm 2003, hiện Công ty do ông Trầm Kim Long làm Chủ tịch hội đồng quản trị, ông Võ Thành Liêm làm tổng giám đốc.
Trong năm 2022, Newtecons đánh dấu 5 năm tăng trưởng liên tiếp, doanh thu trên 11.000 tỷ đồng. Công ty là tổng thầu của một số dự án như Masteri Thảo Điền CT5, Asiana Đà Nẵng, The Sóng, Techcombank Saigon Tower, nhà thầu phụ trong dự án công nghiệp như Kyocera, tổng thầu thi công PaiHong, Logos Bac Ninh Logistics Warehouse…
Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C tiền thân là Công ty CP Vật liệu & Giải pháp S.M.A.R.T, thành lập năm 2015. Ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng.
Vốn điều lệ ban đầu 18 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập là ông Huỳnh Nhật Minh (em rể ông Nguyễn Bá Dương, giữ chức Tổng giám đốc) nắm 70%, ông Nguyễn Xuân Đạo nắm 29,9% và bà Phạm Thị Thu Huyền giữ 0,1% vốn điều lệ. Tháng 4/2022, công ty đổi tên thành Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, vốn điều lệ 305 tỷ đồng và toàn bộ là vốn tư nhân trong nước.
SOL E&C giới thiệu ông Nguyễn Bá Dương là Chủ tịch sáng lập, ông Ngô Thanh Phong là Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Lê Chí Trung là Tổng giám đốc. Trong năm 2022, SOL E&C đạt doanh thu hơn 4.500 tỷ đồng với 500 cán bộ nhân viên.