Tạ Nhị ·
1 năm trước
 8863

Đã có bao nhiêu dự án năng lượng tái tạo đàm phán giá với EVN?

Đến ngày 1/6, đã có 63/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ, 51 dự án đề xuất giá tạm, 9 dự án phát điện thương mại lên lưới điện.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến 19h00 ngày 1/6/2023, đã có 63/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3589,811MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Có 10 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới, bao gồm: Nhà máy điện mặt trời Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 3; Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3; Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450MWac); Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1; Nhà máy điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2; Nhà máy điện gió Hướng Linh 7.

Ngoài ra, có 51/85 dự án (tổng công suất 2871,611MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 48/51 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.

19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

EVN cũng đã công bố bảng biểu cập nhật chi tiết về tình hình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chưa có giá của 85 dự án và Bảng thông tin về việc chuẩn bị thủ tục để công nhận vận hành thương mại (COD) của 51 dự án đã thống nhất giá tạm.

Cập nhật chi tiết về tình hình thực hiện của 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Tình hình chuẩn bị thủ tục để công nhận vận hành thương mại (COD) của 40 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã thống nhất giá tạm.

Việc này nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện nhanh nhất có thể theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các thông tin được EVN ban hành một cách công khai, minh bạch, gửi đến các chủ đầu tư.

Đáng chú ý, trong số 51 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã thống nhất giá tạm, vẫn còn 23 dự án thiếu toàn bộ hồ sơ vận hành thương mại (COD), đa số là các nhà máy điện gió. Có thể kể đến như: Nhà máy điện gió số 3 Sóc Trăng, nhà máy điện gió số 5 Thạch Hải 3, nhà máy điện gió Đắk N'Drung 1,2 và 3,...

Trước đó, Ngày 24/5, tại cuộc họp với Bộ Công thương, EVN khẳng định EVN và Công ty Mua bán điện thuộc tập đoàn luôn hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư nhằm hoàn thiện hồ sơ dự án đảm bảo theo đúng quy định. Mục đích để việc đàm phán giữa bên mua điện và bán điện được diễn ra nhanh nhất có thể. EVN sẵn sàng làm việc cả vào ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ đàm phán. Tuy nhiên, một số dự án hiện còn nhiều vướng mắc về pháp lý và EVN rất khó huy động điện từ các dự án này, vì như thế không khác gì hợp pháp hóa vi phạm.

Tuy vậy, đến ngày 26/5, sau các chỉ đạo "nóng" tiếp theo của Bộ Công thương, EVN cho biết nguyên tắc bây giờ là "đẩy nhanh tiến độ rà soát hồ sơ và tiến hành đàm phán khẩn trương tối đa có thể, đồng thời đảm bảo quy định pháp luật. Mọi quy định cũng tương đối, quan trọng để các nhà máy lên lưới sớm nhất có thể, các thủ tục thiếu, không vi phạm pháp luật sẽ tính sau".

Bộ Công thương cũng thông tin đối với các nhà máy ĐMT, điện gió chuyển tiếp còn vướng mắc thủ tục pháp lý, Bộ đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cũng như đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sở công thương phối hợp với các chủ đầu tư để thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền. Đồng thời Bộ yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong quá trình triển khai dự án, các chủ đầu tư phải chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy…

Để nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính các nhà đầu tư, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho hệ thống điện quốc gia, cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực

Tạ Nhị