Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 7) sẽ rất khó khăn. Hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 1.600-4.900 MW.
Ảnh minh họa.
Bộ Công Thương cho rằng, ngoài tăng sản xuất, cung ứng, việc sử dụng điện tiết kiệm được xem là một trong những giải pháp cấp bách trong bối cảnh nguồn cung khó khăn hiện nay.
Do đó, Bộ Công Thương kêu gọi và đề nghị các bộ, ngành sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.
Trong hai năm tới, Bộ này đặt mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên hệ thống về dưới 6% và giảm công suất đỉnh của hệ thống qua điều chỉnh phụ tải (DR) ít nhất 1.500 MW vào 2025.
Thực tế những ngày qua nguồn cung điện thiếu hụt do hạn hán, thiếu nước kéo dài làm lưu lượng nước về các hồ thủy điện. Việc này ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy, trong khi nhu cầu dùng điện tăng cao do nắng nóng.
EVN làm gì để ứng phó với nguy cơ thiếu điện
Việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng 5, 6 và 7 sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn.
Để đảm bảo các than, khí phục vụ cho sản xuất điện, EVN đã có văn bản gửi các đối tác. Cụ thể, EVN đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí và Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau đề xuất nhường khí cho sản xuất điện.
Trong đó EVN cho rằng việc cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.
Nguồn khí Đông Nam Bộ đang trên đà suy giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn trung bình khoảng 13,5 - 14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu cần trên 21 triệu m3/ngày.
Lượng khí Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện cũng chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi để vận hành tối đa của các nhà máy tuốc bin khí Cà Mau cần khoảng 6 triệu m3/ngày.
Từ đó EVN đề nghị các công ty trên hỗ trợ, nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (5 và 6). Trong đó, EVN đề xuất ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất đến hết tháng 5.
Đối với nguồn than cho sản xuất điện, ông Võ Quang Lâm cho biết, do lượng than cung cấp không theo kịp với nhu cầu huy động nên EVN cũng đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí sông Hậu 1 để "vay" than nhằm phục vụ cho sản xuất điện của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng.
Theo EVN, nếu không có đủ nguồn than, nhà máy này có thể sẽ phải ngừng toàn bộ hoạt động trong vài ngày tới, hệ thống điện sẽ tiếp tục thiếu hụt khoảng 1.938MW.
“EVN sẽ tiếp tục huy động tối ưu các nguồn thủy điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc. Đồng thời sẽ đàm phán để tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, từ Lào; đàm phán ký kết các hợp đồng mua bán điện từ Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, một số nhà máy thủy điện và các dự án điện tái tạo chuyển tiếp trên cơ sở thống nhất mức giá tạm thời để đưa vào vận hành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương”, EVN nói.
Cùng với đó, Phó tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cũng kêu gọi người dân và khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa và tối (buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h đến 22h).
“Khách hàng tiết kiệm điện bằng việc sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26 - 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn. Các nhà máy nên điều chỉnh thời gian, nên sản xuất vào ban đêm để tránh quá tải đường truyền”, ông Lâm nói.
Theo khuyến cáo của ngành điện lực cũng như các chuyên gia, ứng phó với nguy cơ thiếu điện không chỉ là việc sử dụng điện hiệu quả mà cần chủ động trong thực hành tiết kiệm điện.