Minh Anh ·
21 tuần trước
 7847

Cần bao lâu để Hà Nội có thêm 12 tuyến đường sắt đô thị?

Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều 7/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng 20 - 25 năm nữa, Hà Nội sẽ có 12 tuyến đường sắt đô thị.

Chiều 7/12, tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trả lời, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Về vấn đề nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông trong đó có đường sắt đô thị, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, TP nhận thức quan trọng về nội dung này nên đã đề xuất chính sách trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo đó có cơ chế đặc thù để có nguồn lực phát triển hạ tầng Thủ đô, hạ tầng giao thông đối ngoại liên vùng. TP Hà Nội cũng sẽ có một đề án tổng thể về đường sắt đô thị.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu: Đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội hay Cát Linh – Hà Đông đều phải 15, 20 năm mới xong. Chúng ta không thể làm từng cái một. Nếu làm từng cái, mỗi cái một nguồn vốn, một công nghệ thì chắc 100 năm nữa Hà Nội mới xong 12 tuyến đường sắt.

Theo đó, đề án tổng thể 12 tuyến đường sắt có cơ chế, nguồn lực làm riêng để thực hiện. Như vậy, các vấn đề trật tự, giao thông đô thị có cơ hội giải quyết trong 20 năm nữa.

Chủ tịch UBND Hà Nội lấy ví dụ về vấn đề giao thông hiện nay: "Mỗi buổi sáng có tới khoảng 2,3 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 cùng đồng loạt đến trường cùng với các phụ huynh đưa đón thì không tắc mới lạ. Chưa kể những bệnh nhân, sinh viên… Chỉ khi giải quyết về đồng bộ giao thông thì Hà Nội mới giải quyết đường vấn đề này".

Ông Thanh cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến để triển khai đề án về đường sắt đô thị với hy vọng 20 – 25 năm nữa, Hà Nội sẽ có hệ thống 12 tuyến đường sắt đô thị.

Giảm tắc đường giúp Hà Nội bớt thiệt hại 1 - 1,2 tỉ USD/năm

Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách của luật Thủ đô sửa đổi, việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông và kết cấu hạ tầng dẫn đến ùn tắc giao thông ở Hà Nội vào các giờ cao điểm. Hậu quả gây ra là mức độ phát thải lớn, ô nhiễm môi trường cho thủ đô.

Một trong những giải pháp cho tình trạng trên được Chính phủ đưa ra là phát triển vận tải hành khách công cộng một cách đồng bộ. Trong đó, có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km và 3 tuyến tàu điện một ray.

Theo tính toán của Bộ Tư pháp, việc giảm tắc đường sẽ tránh cho Hà Nội không bị thiệt hại khoảng 23.300 - 27.900 tỉ đồng, tương đương 1 - 1,2 tỉ USD/năm.

Đối với việc khai thác nguồn lực cho đầu tư, phát triển các công trình giao thông, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh sẽ đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện việc đầu tư các dự án khu đô thị theo hình thức đấu thầu.

"Hiện có khoảng 14 dự án trên địa bàn các huyện: Thanh Trì, Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, Gia Lâm… đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đang xem xét đề xuất chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 1.432 ha. UBND thành phố chỉ đạo cho tổ chức đấu thầu những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý 1/2024", ông Thanh thông tin thêm.

Cùng với đó, thành phố cũng rà soát quy hoạch, khai thác quỹ đất phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông khung. Dự kiến, sẽ khai thác khoảng 16.700 ha; trong đó, phía tây Vành đai 4 là 13.470 ha, phía đông Vành đai 4 là 3.300 ha.

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, diện tích đất dành cho giao thông của thành phố mới đạt khoảng 10,35% diện tích đất đô thị (theo quy hoạch phải đạt từ 20 - 25%); tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chưa đạt 1% (theo quy hoạch là từ 3 - 4%); tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 19,05% (theo quy hoạch là 50 - 55%).

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7157915520934809