Mới đây, CTCP Đầu tư Con Cưng vừa công bố thông tin về tình hình tài chính định kỳ. Nhìn vào số liệu có thể thấy, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này tính đến 31/12/2022 là hơn 2.400 tỷ đồng và lãi chưa đến 5 tỷ đồng.
Những tham vọng của Con Cưng
Theo tìm hiểu, hệ thống Con Cưng gồm Công ty cổ phần Đầu tư Con Cưng; CTCP Con Cưng và hàng loạt chi nhánh CTCP Con Cưng, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Quốc Minh. Trong đó, cả CTCP Con Cưng và CTCP Đầu tư Con Cưng đều được thành lập vào tháng 9/2015.
Được biết, vào tháng 12/2016, hệ thống Con Cưng đạt mốc 100 siêu thị trên hơn 30 tỉnh thành cả nước. Tại thời điểm này, Con Cưng cũng ghi dấu ấn với doanh số tăng trưởng 100% so với năm 2015. Tháng 9 năm 2017, Con Cưng cán mốc nhân đôi, lên 200 siêu thị. Tính đến hết năm 2018, 400 là tổng số siêu thị Con Cưng, Toycity & CF (Con Cưng Fashion).
Lớn nhanh như thổi, chuỗi cửa hàng dành cho Mẹ & Bé của Con Cưng tiếp tục nuôi tham vọng vào cuối năm 2021 cán mốc 1.000 siêu thị.
Nguồn ảnh: Internet.
Tham vọng của Con Cưng ngoài việc đến năm 2021 có 1.000 cửa hàng còn có kế hoạch phủ sóng 64 tỉnh thành với cam kết mang lại sự tiện lợi trong mua sắm tới tất cả phụ huynh khắp cả nước.
Về lợi thế của mình, trong phần giới thiệu Con Cưng cũng viết rõ, công ty có lợi thế trong việc hợp tác với nhiều tập đoàn đa quốc gia, cũng như việc phân phối độc quyền cho nhiều nhãn hàng Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan. Ngoài ra, để nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm tốt nhất dành cho trẻ em Việt Nam Con Cưng cũng hợp tác với nhiều nhà máy hàng đầu tại Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan.
Ngập nợ nghìn tỷ
Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư Con Cưng có vốn điều lệ 30,99 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Quốc Minh. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là 3,35 lần tức, số nợ của Con Cưng lên đến hơn 2.400 tỷ đồng.
Có nợ lớn nhưng lợi nhuận của công ty năm 2022 lại khá eo hẹp (đạt chưa đầy 5 tỷ đồng so với con số gần 90 tỷ đồng đạt được năm 2021). Với số lợi nhuận eo hẹp, năm 2022 tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Con Cưng chỉ còn 0,64 lần. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Đầu tư Con Cưng đã tất toán toàn bộ nợ trái phiếu, giúp dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cuối năm 2022 về 0.
Nguồn ảnh: Internet.
SSI và những khoản đầu tư vào Con Cưng
Vào khoảng năm 2017, SSI bắt đầu rót những đồng tiền đầu tiên vào CTCP Con Cưng như một khoản đầu tư tài chính vào khoảng năm 2017 với số tiền hơn 28 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, số tiền đầu tư đã tăng thành 42,2 tỷ đồng. Khoản đầu tư của SSI vào Con Cưng vẫn tăng tiếp, tính đến cuối năm 2020 đạt hơn 55 tỷ đồng. Từ năm 2021, 2022 khoản đầu tư tài chính của SSI vào Con Cưng đã giảm về còn hơn 40 tỷ đồng.
Nguồn ảnh: Internet.
Cũng là điều rất dễ hiểu khi SSI hay các quỹ đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó hay một khoản đầu tư nào đó. Tuy vậy, ở đây có một điều rất khó hiểu đó là: Tại sao một trong những doanh nghiệp chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính như SSI lại chọn đầu tư vào Con Cưng hay chuỗi Con Cưng ngay cả khi doanh nghiệp này đang ở thế khó?
SSI tư vấn phát hành trái phiếu cho Con Cưng: không có tài sản đảm bảo
Ở thời điểm năm 2021 khi Con Cưng phát hành trái phiếu, CTCP Đầu tư Con Cưng có vốn chủ sở hữu là 725 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả gấp 2,25 lần vốn chủ sở hữu (lên trên 1.800 tỷ đồng). Cuối năm 2020 Con Cưng ghi nhận lãi 20 tỷ đồng cả năm, nợ phải trả gấp 1,57 lần vốn chủ sở hữu (lên 645 tỷ đồng).
Nguồn ảnh: Internet.
Được biết, đơn vị tư vấn phát hành nhiều lô trái phiếu cho Con Cưng là SSI. Trong đó, gần nhất là 2 lô trái phiếu trong tháng 1/2021. Trên trang chủ SSI còn ghi nhận lô trái phiếu phát hành ngày 18/1/2021 trị giá 50 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo chuyên gia kinh tế, giấc mơ 1.000 cửa hàng của Con Cưng là tham vọng lớn, và tham vọng đó đưa Con Cưng lên tầm doanh nghiệp tỷ đô, tuy nhiên với quy mô của Con Cưng thì việc giấc mơ lớn nhanh sẽ như con dao 2 lưỡi. Chỉ cần một số nhỏ cửa hàng không kịp sinh lời nhanh thì sẽ khiến Con Cưng phải loay hoay với vòng xoay vay nợ, trả nợ.
Một áp lực khác mà các chuỗi cửa hàng từng là xu hướng đó là: thương mại điện tử. Sự xuất hiện của thương mại điện tử có nhiều ông lớn trong ngành, đủ uy tín đã thay đổi sân chơi tiêu dùng.
Cộng gộp giữa 2 yếu tố lại, Con Cưng hiện đang vừa phải lo cạnh tranh, cũng vừa quay cuồng trả nợ. Được biết, Con Cưng vừa nhận được 90 triệu USD từ một quỹ. Tuy vậy, về vấn đề liên quan đến kết quả kinh doanh hay tham vọng của Con Cưng thế nào vẫn là dấu hỏi.