Theo đó, doanh nghiệp này sẽ phát hành gần 126 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 50% với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu. Theo dự kiến, thời gian thực hiện trong năm 2023-2024. Vốn điều lệ của IJC sẽ tăng từ 2.518 tỷ đồng lên 3.777 tỷ đồng nếu phát hành thành công.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Trong khi đó, trên thị trường cổ phiếu IJC đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/5 tại mức giá 14.300 đồng/cp, ghi nhận trong vòng 3 tháng qua tăng 18%. Như vậy, dự kiến giá phát hành của IJC chỉ thấp hơn thị giá 4.000 đồng/cp.
Được biết, vốn thu được từ đợt phát hành doanh nghiệp sẽ dùng để đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, thực hiện đầu tư góp vốn vào công ty tiềm năng, thanh toán nợ gốc và lãi vay ngân hàng, trái phiếu... và bổ sung vốn kinh doanh.
Theo đó, vốn thu được từ đợt chào bán dự kiến khoảng 1.259 tỷ đồng, IJC sẽ chi 466 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex Bình Phước chiếm 37%, số còn lại (hơn 756 tỷ) dùng để trả nợ gốc/lãi vay ngân hàng, trái phiếu và khách hàng.
Cụ thể, 98 tỷ sẽ được IJC chi để trả gốc kỳ thứ 3 cho lô trái phiếu IJCH2025001 (quý 4/023), thanh toán lãi trái phiếu kỳ 4 năm 2023 cho lô IJCH2025001 (8,96 tỷ), trả nợ gốc ngắn hạn BIDV (gần 401 tỷ), gần 30 tỷ trả lãi vay ngắn hạn BIDV, gần 35 tỷ trả trước hạn nợ gốc dài hạn Ngân hàng Bản Việt, trả trước hạn nợ gốc Ngân hàng Hàng Hải 154 tỷ, trả tiền lãi chậm trả cổ tức Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp 30 tỷ, số còn lại 36,7 tỷ bổ sung vốn kinh doanh.
IJC cũng cho biết, trường hợp số tiền thu được từ đợt chào bán không đủ phân bổ cho toàn bộ mục đích nêu trên như dự kiến thì HĐQT sẽ phân bổ số vốn thu được từ đợt chào bán theo thứ tự ưu tiên là: góp vốn vào Becamex Bình Phước; trả nợ ngân hàng, trái phiếu, khách hàng và cuối cùng mới ưu tiên vốn kinh doanh.
Về hoạt động kinh doanh, Becamex IJC ghi nhận doanh thu đạt 337 tỷ đồng trong quý 1/2023, so với cùng kỳ giảm 36% và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 108 tỷ đồng, so với quý đầu năm 2022 giảm 38%.
Tại thời điểm cuối quý 1/2023, doanh nghiệp có nợ phải trả giảm 300 tỷ xuống mức 2.436 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm lần lượt là 507 tỷ và 405 tỷ đồng (tức tổng cộng 912 tỷ đồng).
Trong năm 2023, IJC đặt kế hoạch tổng doanh thu dự kiến 1.634 tỷ đồng (giảm 18%) và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, so với thực hiện trong năm 2022 giảm 2%
Dự chi gần 700 tỷ nâng sở hữu vốn tại Becamex – Bình Phước
Về diễn biến liên quan, HĐQT Becamex IJC cũng thông qua kế hoạch mua 55,5 triệu cổ phiếu CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex - Bình Phước với mục đích nâng tỷ lệ sở hữu (từ 0% lên 31,7% vốn).
Được biết, giá mua dự kiến là 12.000 đồng/cp, tương đương ước tính tổng giá trị giao dịch khoảng 666 tỷ đồng với hình thức góp vốn bằng tiền mặt. Thời gian thanh toán được chia thành hai đợt, đợt 1 sẽ thanh toán 200 tỷ đồng (trước ngày 30/6) và đợt 2 thanh toán 466 tỷ đồng (trước ngày 31/10/2023).
Theo tìm hiểu, CTCP Phát triển hạ tầng Kỹ thuật Becamex - Bình Phước được thành lập năm 2008, công ty hiện đang là chủ đầu tư của dự án Khu công nghiệp Becamex Bình Phước có dự án diện tích 4,633 ha. Tỉnh Bình Phước gần đây đã ra quyết định cho Becamex - Bình Phước thuê 122 ha đất để thực hiện dự án trên. Theo đó, doanh nghiệp sẽ dành gần 18 ha để xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong KCN bao gồm: đất cây xanh, đất đường giao thông, đất thủy lợi và dùng hơn 104 ha đất để cho thuê xây dựng nhà máy, xí nghiệp.
Đáng lưu ý, ở thời điểm cuối tháng 3 năm 2023, Becamex IDC (mã CK: BCM) – đồng thời là công ty mẹ trong hệ sinh thái Becamex - đang nắm 40% vốn điều lệ tại Becamex - Bình Phước (tương ứng giá trị sổ sách đầu tư 327 tỷ đồng). Hồi cuối năm 2022, BCM ghi nhận lãi phát sinh đầu tư vào Becamex – Bình Phước gần 91 tỷ đồng, nâng tổng giá trị đầu tư lên xấp xỉ 331 tỷ đồng. Như vậy, trong quý 1/2023 giá trị khoản đầu tư tại đã giảm hơn 4 tỷ đồng.