Nhìn vào báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có dòng nhận xét riêng đối với trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, theo ADB trong bối cảnh căng thẳng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã có một số vụ vỡ nợ, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
Tổng cộng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách "vỡ nợ", phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản.
ADB cho hay, nhận định dựa theo báo cáo tháng 4/2023 của FiinRatings khi sử dụng dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo đó, FiinRatings cho hay, 69 đơn vị phát hành trong danh sách vỡ nợ hiện có tổng nợ là 233.700 tỷ đồng (tính đến 31/12/2022), trong đó tổng giá trị lưu hành trái phiếu của họ là 169.700 tỷ đồng và 64.000 tỷ đồng còn lại là dưới hình thức các khoản vay (nợ) ngân hàng và các khoản nợ khác.
Cũng trong báo cáo này, tính đến ngày 17/3 tổng giá trị vỡ nợ của trái phiếu doanh nghiệp đạt mức 94.400 tỷ đồng từ 69 đơn vị phát hành. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành bất động sản với 83,6%, tương đương 78.900 tỷ đồng trong tổng giá trị vỡ nợ. Tính tới ngày 4/5, trái phiếu vỡ nợ đã tiếp tục tăng lên tới 128.500 tỷ đồng.
Các báo cáo về tình hình trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp nằm trong diện vỡ nợ đều không được cả ADB và FiinRatings nêu đích danh, nguyên nhân có thể vì lý do ổn định tâm lý thị trường, cũng có thể là do một số vụ việc chưa được đưa ra xét xử và chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, nên chưa được công bố. Vì nếu công bố sẽ gây bất ổn trong tâm lý thị trường, gây thiệt hại đến các công ty này cùng với các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, có thể khi nói về hoạt động kinh doanh, tài chính, ngân hàng, khái niệm ‘vỡ nợ’ có tính nhạy cảm hơn và chưa được sử dụng nhiều tại Việt Nam. Còn ở quốc tế, việc vỡ nợ đề cập đến thường xuyên hơn, thậm chí trong quá khứ Chính phủ Mỹ cũng đã từng vỡ nợ.
Đại diện ADB cho biết, vỡ nợ là hiện trạng tài chính không có (hoặc mất) khả năng thanh toán, chi trả. Trên thực tế có rất nhiều đại gia bất động sản ở Việt Nam đang trong tình trạng này.
Các thông tin công bố cho thấy, từ đầu năm đến nay đã có nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thông báo chậm trả lãi hoặc gốc trái phiếu với cùng lý do "chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán".
Từ đầu năm đến nay, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã liên tiếp công bố thông tin bất thường của các tổ chức phát hành chậm trả nợ gốc, lãi và doanh nghiệp bất động sản chiếm phần lớn trong số này.
Theo nhận định đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings thì những doanh nghiệp bất động sản vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu có điểm chung là sử dụng đòn bẩy tương đối cao, có kết quả kinh doanh giảm mạnh, mất cân đối kỳ hạn nợ và nguồn tiền trả nợ trong ngắn hạn mặc dù lợi nhuận vẫn tốt.
Thị trường bất động sản tại Việt Nam gần đây rơi vào tình trạng trầm lắng ở nhiều địa phương trên cả nước. Việc mua bán bất động sản đều khó khăn vì giá được cho là ở mức cao, trong khi đó dòng tiền vào lĩnh vực này lại thấp, cùng với đó tín dụng cũng được kiểm soát chặt chẽ. Trên thị trường tài chính Việt Nam dòng tiền sụt giảm đột ngột gây ra cú sốc đáng kể đối với nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhóm doanh nghiệp địa ốc. Hiện nay, về thanh khoản, dòng tiền thị trường và doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đang “chậm” khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro về áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay. |
Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6556190184440682/?