Thành Phong ·
23 tuần trước
 9069

Điểm tên những vụ “nổ to” rồi bỏ cọc mỏ cát

Chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn chặn các doanh nghiệp, cá nhân đua nhau đẩy giá thầu lên cao chót vót trong các phiên đấu giá để rồi sau đó sẵn sàng bỏ cọc, phủi trách nhiệm.

Trong hai ngày 5-6/11, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hoàn thành việc đấu giá quyền khai thác ba mỏ cát với tổng số tiền thu được (theo lý thuyết) là gần 1.700 tỷ đồng

Trong số đó, mỏ Châu Sơn có trữ lượng hơn 700.000m3, tiền đặt cọc hơn 400 triệu đồng, giá khởi điểm 2,8 tỷ đồng nhưng “giá chốt” là hơn 396 tỷ đồng, cao gấp 141 lần.

Mỏ Liên Mạc có trữ lượng gần 500.000m3 cát, tiền đặt cọc hơn 300 triệu đồng, giá khởi điểm 2 tỷ đồng nhưng “giá chốt” là 408 tỷ đồng, cao gấp 204 lần.

Mỏ Tây Đằng-Minh Châu có trữ lượng 4,9 triệu m3 cát, tiền cọc 2,8 tỷ đồng, giá khởi điểm hơn 19 tỷ đồng nhưng “giá chốt” là hơn 880 tỷ đồng, gấp 46 lần.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Ảnh minh họa.

Việc các doanh nghiệp đẩy số tiền “chốt hạ” lên rất cao để nắm quyền khai thác mỏ cát đã từng xảy ra ở một số địa phương khác. Trong đó nhiều vụ có kết cục xấu, hoàn toàn không mang lại lợi ích lớn cho ngân sách nhà nước như lẽ ra phải thế.

Đấu giá mỏ cát sông Tiền hơn 2.811 tỉ đồng gây xôn xao

Ngày 26/3/2021, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông làm vật liệu xây dựng đối với mỏ cát nêu trên với giá khởi điểm khoảng 7,2 tỉ đồng.

Qua hàng chục vòng đấu giá, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ T-S.Home đã "đánh bại" các doanh nghiệp khác để trúng thầu với số tiền hơn 2.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời hạn, công ty vẫn chưa chứng minh năng lực tài chính cũng như nộp tiền trúng đấu giá lần đầu.

Do đó, ngành chức năng ở tỉnh An Giang đã ra thông báo lần 2 nhưng phía công ty lại đề xuất cho nộp lần đầu 50 tỉ đồng trước khi cấp phép khai thác, hơn 90 tỉ đồng còn lại sẽ được nộp trong năm khai thác đầu tiên. Trong trường hợp UBND tỉnh An Giang không chấp thuận đề xuất này thì công ty xin nhận lại tiền cọc sau khi trừ chi phí tổ chức đấu giá là hơn 700 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến 23/3, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy kết quả đấu giá tài sản đối kết quả đấu giá mỏ cát sông Tiền hơn 2.811 tỉ đồng.

UBND tỉnh An Giang thông báo đến Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home việc hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy kết quả đấu giá tài sản đối với quyền khai thác mỏ cát sông tại khu mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới

Mỏ cát này có diện tích 60,3 hecta được Công ty T-S.Home trúng đấu giá với số tiền hơn 2.811 tỉ đồng theo biên bản đấu giá tài sản do Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang xác lập lúc 12h ngày 26-3-2021.

Lý do hủy bỏ, theo UBND tỉnh An Giang, là do Công ty T-S.Home có công văn về việc ngưng thực hiện thủ tục khai thác mỏ cát.

Số tiền đặt cọc của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home đã nộp khi tham gia đấu giá hơn 1 tỉ đồng không được trả lại, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước, sau khi trừ thù lao dịch vụ đấu giá tài sản cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh là 330 triệu đồng, số tiền còn lại nộp ngân sách nhà nước gần 760 triệu đồng.

UBND tỉnh An Giang cho biết, đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực chưa thăm dò mang lại nhiều rủi ro cho các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá. Nguyên nhân là các thông tin về khu mỏ chưa được thăm dò trữ lượng chỉ là thông tin dự báo. Vì vậy, khi doanh nghiệp trúng đấu giá tiến hành thăm dò thì các thông số này có thể bị sai lệch. Bên cạnh đó, việc tăng giá thuế tài nguyên tại thời điểm xác định tiền trúng đấu giá cũng gây nhiều khó khăn cho tổ chức trúng đấu giá.

Quảng Ngãi hủy loạt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Trong các năm 2022 và 2023 tại tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra các cuộc đấu giá 12 mỏ cát. Một số doanh nghiệp đẩy giá lên hàng chục lần để giành chiến thắng nhưng lại dễ dàng bỏ cọc, hủy hợp đồng.

Tỉnh Quảng Ngãi đã hủy kết quả trúng đấu giá điểm bồi tụ cát 1,58ha ở thôn Bình Trung, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng của Công ty TNHH Xây lắp cơ khí công nghiệp và dân dụng Thịnh Thiện, tại Quyết định 98/QĐ-UBND ngày 6/2/2023.

Theo quyết định hủy kết quả trúng đấu giá mỏ cát thôn Bình Trung, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng, cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ Công ty TNHH Xây lắp cơ khí công nghiệp và dân dụng Thịnh Thiện không được hoàn trả lại khoản tiền đã đặt trước.

Ngoài các trường hợp trên, mới đây, tỉnh cũng hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ở khu vực chưa có kết quả thăm dò đối với mỏ cát thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành; và mỏ cát thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh.

UBND tỉnh cho biết, việc hủy kết quả đấu giá với mỏ cát thôn Xuân Đình (diện tích 4,67ha) căn cứ trên đề nghị của đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH xây lắp và thương mại Phú Cường. Công ty này sẽ không được hoàn trả số tiền 57 triệu đặt trước. Còn việc hủy kết quả đấu giá mỏ cát thôn Ngân Giang (6,14 ha) căn cứ trên đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển THC Quảng Ngãi là doanh nghiệp trúng đấu giá. Công ty cũng không được hoàn số tiền hơn 125 triệu.

Thanh Hóa bỏ hủy kết quả trúng đấu giá mỏ cát hơn 2,6 tỷ 

UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ký văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này về việc không ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá mỏ cát tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy vì Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Sơn - đơn vị trúng đấu giá đã có đơn xin hủy kết quả trúng đấu giá.

Trước đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Sơn đã có đơn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy trên diện tích mỏ là 21,6 ha.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3829/STNMT-TNKS ngày 5/5/2023 kèm theo biên bản hội nghị ngày 27/4/2023 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Trung tâm Đấu giá Tài sản Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Sơn, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo, thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường không ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá mỏ cát tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy.

Lý do, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Sơn đã có đơn xin hủy kết quả đấu giá mỏ cát ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy. Người trúng đấu giá là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Sơn đã thống nhất ký văn bản thỏa thuận ngày 27/4/2023 hủy kết quả trúng đấu giá mỏ cát này theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Sơn chấp nhận mất toàn bộ số tiền đặt cọc hơn 2,6 tỷ đồng và không có bất kỳ khiếu nại nào.

Trở lại với 3 vụ đấu thầu khai thác mỏ cát ở Hà Nội, hiện tại, các doanh nghiệp trúng đấu giá đang trong thời gian thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Dù kết cục của các vụ đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội sẽ rơi vào phương án nào thì việc rà soát, chấn chỉnh các vụ đấu giá mỏ vật liệu xây dựng và cả đấu giá bất động sản, đấu giá tài sản không chỉ ở Thủ đô, cũng là điều cần thiết nhằm “tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm” theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Cần chế tài đủ sức răn đe

Theo Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nếu các tổ chức, cá nhân tham gia phiên đấu giá và trúng đấu giá nhưng từ chối không nhận kết quả trúng đấu giá mà chưa được hội đồng đấu giá chấp thuận thì không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá đó.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ tài chính sau trúng đấu giá cũng không được nhận lại số tiền đặt cọc trước đó.

Trên thực tế, chế tài này chưa đủ mạnh nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp, cá nhân đua nhau đẩy giá lên cao chót vót trong các phiên đấu giá quyền khai thác mỏ, đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất để rồi sau đó sẵn sàng bỏ cọc, phủi trách nhiệm.

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá Tài sản.

Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết một số người tham gia đấu giá nhưng với mục đích không hẳn là để mua được tài sản mà nhằm thao túng mặt bằng giá mới, phô trương danh thế, phá hoại cuộc đấu giá... Do đó, việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được thực hiện chặt chẽ.

Theo Đại biểu Dương Ngọc Hải, cần phải tăng tiền đặt cọc lên 10% tổng giá trị tài sản được đấu giá để ngăn chặn việc người trúng đấu giá sẵn sàng mất cọc

Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh thì nên quy định rõ biên độ chênh lệch số tiền đặt cọc ở mức tối thiểu và mức đặt tối đa, tùy theo giá trị của tài sản

Các doanh nghiệp, cá nhân không chấp hành Luật Đấu giá Tài sản, không vì mục đích mua được tài sản thì ngoài việc mất tiền cọc còn phải chịu thêm việc phạt hành chính.

Từ tháng 7/2022, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra hàng loạt đề xuất để khắc phục tình trạng bỏ cọc của người trúng đấu giá đất. Theo đó, tiền cọc cam kết thực hiện hợp đồng không phải là khoản đặt trước để tham gia đấu giá (Luật Đấu giá Tài sản quy định rằng người tham gia phải nộp tiền đặt trước từ 5-20% giá khởi điểm).

Luật Đấu giá Tài sản quy định đấu giá viên có quyền dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự; hoặc dừng đấu giá do yêu cầu của người có tài sản khi có căn cứ cho rằng có hành vi thông đồng làm sai lệch thông tin tài sản, dìm giá..

Tuy nhiên, cần đưa quy định này vào cuộc sống vì trên thực tế rất hiếm khi xảy ra việc dừng đấu giá giữa chừng.

Theo ông Trần Hồng Hà, những người trúng đấu giá đất phải trả tiền ngay trong 10 ngày, thay vì 90 ngày như trước đây, để họ không đủ thời gian thực hiện các hành vi trục lợi; tiền cọc cũng phải tăng cao hơn mức 5-10% giá trị tài sản như hiện nay (có thể ở mức 20%); các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đấu giá phải được cơ quan có trách nhiệm thẩm định năng lực tài chính

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn đề xuất: Các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá đất thực hiện dự án phải có vốn không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án quy mô dưới 20ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án từ 20ha; phải có kinh nghiệm thực hiện dự án có sử dụng đất và phải có tài sản thế chấp

Một số chuyên gia đề xuất ý kiến rằng để ngăn chặn việc bỏ cọc trong đấu giá bất động sản, nếu người trúng đấu giá từ chối nghĩa vụ tài chính mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt ở mức 50% giá trị quyền sử dụng đất.

Người bỏ cọc đồng thời phải trả các chi phí liên quan đến cuộc đấu giá và trong vòng 5 năm không được tham gia các cuộc đấu giá tương tự.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7073605859365776