Tạ Nhị ·
45 tuần trước
 7943

Dự án năng lượng mặt trời mái nhà chợ Đồng Xuân giờ ra sao?

Việc vận hành sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời đã đem lại hiệu quả với 60,7MWh tương ứng với 10,13% lượng điện tiêu thụ, giúp tiết kiệm trên 150 triệu đồng và giúp giảm thải 43,83 tấn CO2.

Chỉ mới đưa vào sử dụng từ tháng 11/2022, Dự án thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã cho thấy lợi ích kép.

Tình từ ngày 18/11/2022 đến ngày 22/5/2023, tổng lượng điện tiêu thụ của chợ Đồng Xuân là 599MWh, điện từ hệ thống năng lượng mặt trời sản xuất được 60,7MWh tương ứng với 10,13% lượng điện tiêu thụ. Đây là thời điểm mùa đông, thời gian chiếu sáng của mặt trời ít. Trong sáu tháng cuối năm 2023, thời điểm mùa hè chắc chắn hiệu quả điện từ hệ thống năng lượng mặt trời sản xuất được sẽ tăng cao so với các tháng mùa đông.

Dự án Điện mặt trời mái nhà chợ Đồng Xuân.

 Như vậy, chỉ sau 06 tháng đưa vào vận hành sử dụng, hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân đã giúp tiết kiệm trên 150 triệu đồng và giúp giảm thải 43,83 tấn CO2 (hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 31/12/2022 là 0,7221 tấn CO2 trên 1 MWh).

Dự án thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân là một nội dung trong Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2015-2017; 2018-2021 giữa UBND quận Hoàn Kiếm và chính quyền quận Lichtenberg, Thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức theo chương trình hợp tác về chống biến đổi khí hậu. Theo thỏa thuận này, hai quận đã ký chương trình hành động chung cụ thể về đào tạo tuyên truyền viên về công tác bảo vệ môi trường; Tuyên truyền, giáo dục  về bảo vệ môi trường … đến các cháu học sinh;Thực hiện dự án: Pin năng lượng mặt trời ở Hoàn Kiếm - Thí điểm lắp pin năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân… 

Dự án thành phần chính ban đầu là lắp đặt tấm năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân với 470 tấm năng lượng, công suất 330 Wp/tấm với tổng công suất 155 kWh). Tổng kinh phí dự án thành phần là 189.119,93 Euro (Quyết định phê duyệt số 738/QĐ-UBND ngày 09/02/2021 của UBND Thành phố Hà Nội trên tổng 274.202,41 Euro của Hợp đồng dự án).

Dự án khi triển khai gặp nhiều khó khăn do tình hình diễn biến dịch Covid-19 kéo dài trong năm 2021 và đầu năm 2022 dẫn đến nguyên vật liệu đầu vào của dự án tăng từ 30 đến trên 50%.

Tuy nhiên, UBND quận Hoàn Kiếm đã điều chỉnh thiết kế của dự án để đảm bảo tính khả thi, an toàn phòng cháy chữa cháy (từ 470 tấm pin với công suất 155 kW xuống 288 tấm pin với công suất 154 kW, phương án thi công hàn trực tiếp sang phương án hệ khung giàn bắt bulong…), qua đó đảm bảo kinh phí thực hiện của nhà tài trợ.

Đến tháng 9/2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức đấu thầu thành công (sau 2 lần hủy thầu trước đó) và lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, trình độ để thi công dự án là Công ty TNHH TMDV cơ điện Thuận Phong với thời gian thi công 60 ngày trong điều kiện mặt bằng thi công nhiều khó khăn, hạn chế không thể lắp đặt được trang thiết bị máy móc đặc chủng, gần như 100% nội dung thực hiện phải làm thủ công, khâu vận chuyển vật tư thiết bị chỉ có thể thực hiện từ sau 22h đêm đến trước 5h sáng ngày hôm sau.

Đơn vị nhà thầu đã hoàn thành việc thi công, lắp đặt theo đúng tiến độ để ra và đưa vào bàn giao toàn bộ hạng mục (ngày 18/11/2022) và chính thức vận hành (ngày 29/11/2022).

Ưu điểm của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không lo cạn kiệt.. Nguồn điện từ mặt trời giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng điện lưới, giảm áp lực phụ tải lưới điện; không chi phí vận hành, chi phí bảo trì thấp. Đồng thời, thân thiện với môi trường vì trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn, khói bụi.. Cùng với đó, phần mái được cách nhiệt bằng hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời còn giúp giảm nhiệt cho ngôi nhà, giảm thời gian sử dụng máy điều hòa không khí, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Dự án “Năng lượng mặt trời ở Hoàn Kiếm: Dự án thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân” đã đạt mục tiêu chính là giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường; Tiết kiệm được chi phí cho người dân xung quanh và tiểu thương trong chợ Đồng Xuân. Nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Các hộ kinh doanh trong chợ rất phấn khởi vì dự án rất phù hợp với tình hình thiếu điện hiện nay, giúp tiết kiệm năng lượng điện trong toàn chợ, giảm khí thải lại thêm lớp chống nóng trên mái chợ.

Trong tình hình đang thiếu điện gay gắt hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, tận dụng năng lượng từ thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Đây cũng là hành động thiết thực để thực hiện yêu cầu tại  Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện.

Giai đoạn 2022-2025, hai quận tiếp tục triển khai chương trình hợp tác giữa hai quận về phát triển bền vững, đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu để góp phần vào thực hiện Chương trình Agenda 2030.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6565040106889023/