Bích Ngọc ·
36 tuần trước
 8780

Đức Long Gia Lai thông báo chậm trả lãi lô trái phiếu 134 tỷ đồng

Lãi ròng 6 tháng đầu năm 2023 tăng 385,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, song Đức Long Gia Lai vẫn chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Mới đây, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) đã có văn bản công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu 30122017-01, công ty đã chưa thực hiện thanh toán đúng theo cam kết khi phát hành trái phiếu.

Theo đó, kế hoạch ngày 30/12/2022 là thời hạn thanh toán cả gốc và lãi lô trái phiếu 30122017-01. Trong đó, 117,4 tỷ đồng là số tiền gốc công ty phải thanh toán, số tiền phải trả cho kỳ từ 1/1 – 30/6/2023 là 7,9 tỷ đồng. Tuy vậy, công ty này đã không tiến hành thanh toán theo đúng thời hạn đề ra.

Tình hình thanh toán trái phiếu của DLG. Nguồn ảnh: Internet.

Được biết, lô trái phiếu mã 30122017-01 được Đức Long Gia Lai phát hành ngày 30/12/2017 và có thời gian đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm), gồm 134 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng, tổng huy động 134 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm (kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần).

Công ty cho biết, nguyên nhân chậm thanh toán là do tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Công ty hiện đang đàm phán nhà đầu tư để thống nhất phương án thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu kéo dài kỳ hạn trả nợ thêm 2 năm.

Tình hình kinh doanh, trong 6 tháng năm 2023, Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 512 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 29%. Công ty có doanh thu hoạt động tài chính là 116 tỷ đồng, so với 6 tháng đầu năm 2022 giảm 1,7%.

Ở một diễn biến khác, lãi ròng sau soát xét của công ty tăng 20,2 tỷ so với trước soát xét (từ 19,3 tỷ đồng lên 39,5 tỷ đồng). Lý giải về việc lãi ròng sau soát xét chênh lệch 20,2 tỷ đồng, theo DLG, doanh thu hoạt động tài chính tăng 21,18 tỷ đồng do hạch toán thêm khoản phân phối lợi nhuận được chia 6 tháng đầu năm 2023 từ công ty con.

Chi phí tài chính tăng 943 triệu đồng do ghi nhận thêm chi phí lãi vay và hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính. Từ các nguyên nhân trên dẫn đến tổng lợi nhuận kế toán trước thuế và sau thuế có sự chênh lệch 20,2 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi ròng của DLG trong nửa đầu năm 2023 tăng 383,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, từ khoản lỗ 344 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 39,5 tỷ đồng.

Theo DLG, lý do khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 tăng và chuyển từ lỗ ở báo cáo cùng kỳ năm trước sang lãi kỳ này là vì phát sinh khoản lợi nhuận được chia từ công ty con, lỗ chênh lệch tỷ giá giảm, chi phí lãi vay giảm nhưng dự phòng giảm giá đầu tư tài chính tăng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm (246 tỷ đồng) do trong kỳ công ty này đã tích cực thu hồi các công nợ đã quá hạn thanh toán, giảm tỷ lệ nợ quá hạn và hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Chi phí khác tăng 640 triệu đồng, do tăng chi phí tiền chậm nộp.

Tuy vậy, khoản lỗ lũy kế tại ngày 30/6/2023 trên báo cáo tài chính hợp nhất của công ty là 2.042 tỷ đồng, đồng thời các khoản nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là 1.224 tỷ đồng đã khiến phía kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của DLG.

Còn phía lãnh đạo công ty khẳng định, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận hàng năm theo kế hoạch.

Theo SSI Research ước tính, số tiền gốc trái phiếu đã thành công thực hiện điều chỉnh hoãn nợ gốc/điều chỉnh lãi suất hoặc chuyển đổi trái phiếu lên đến 66 nghìn tỷ đồng. Tích cực nhất trong việc đàm phán gia hạn nợ với nhà đầu tư trong nửa đầu năm 2023 là các công ty trong tập đoàn Nova, Sovico và Vietracimex.

SSI Research nhấn mạnh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam dường như đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, nhờ các động thái từ Chính phủ thế nhưng những giải pháp hiện tại chỉ mang tính ngắn hạn, thiên về hỗ trợ cho các tổ chức phát hành, sẽ khó có thể ngay lập tức khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6785092418217123/?