Tham dự hội thảo về phía ban tổ chức có PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA - Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; Nhà báo Nguyễn Tường Quân- Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam- Phó ban Thường trực Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; GS.TS Hoàng Xuân Cơ- Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; Luật sư Trương Anh Tú- Trưởng Văn phòng Đại diện Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phía Nam, hơn 100 các cá nhân là đại diện chủ doanh nghiệp đến từ nhiều địa phương khác nhau có chung mục tiêu xây dựng một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và các chuyên gia về lĩnh vực kinh tế môi trường, chuyên gia pháp lý, các phóng viên, Nhà báo tại Hội thảo...
Tiêu dùng xanh – Nội dung quan trong trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA - Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường cho biết, hiện nay, tiêu dùng xanh trở thành một xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề này rất phổ biến tại các nước phát triển và lan tỏa mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình trở lên trong nhiều năm gần đây.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA - Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, tại Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, tiêu dùng xanh đang được nhắc đến rất nhiều khi việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe được người dân hết sức chú trọng. Vì vậy, tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm, cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.
Thực tế cho thấy, có khá nhiều văn bản thể hiện Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai các hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cụ thể là Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999); các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999)...
Đặc biệt, Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến
Cũng trong khuôn khổ buổi Hội thảo, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam- Ủy viên chuyên trách Hội Đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ, ở các xã hội phương Tây, tiêu dùng xanh xuất hiện trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, với nhận thức ngày càng tăng về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường và sức khỏe con người khỏi những tác động do ô nhiễm công nghiệp và tăng trưởng kinh tế và dân số gây ra.
Những năm 1980, những thương hiệu “xanh” đầu tiên của Mỹ bắt đầu xuất hiện và bùng nổ trên thị trường Mỹ. Trong những năm 1990, sản phẩm xanh tăng trưởng chậm và vẫn chỉ là một hiện tượng nhỏ. Sự quan tâm của người Mỹ đối với các sản phẩm xanh bắt đầu tăng trở lại vào đầu những năm 2000 và tiếp tục tăng”.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.
Và theo nhiều nghiên cứu, thuật ngữ “tiêu dùng xanh” xuất hiện lần đầu ở các nước phát triển sớm, nhanh, mạnh, tốc độ cao như Mỹ và các nước Tây Âu. Khi đó, các nhà khoa học nhìn ra các hậu quả, thiệt hại môi trường do chính quá trình phát triển gây nên.
Do đó, các nhà nghiên cứu chuyển sang một cách tiếp cận mới, khác trước, đó là tiếp cận quá trình tiêu dùng, người tiêu dùng để tìm cách giảm thiểu tác động có hại đến sức khỏe con người, đến sức khỏe hệ sinh thái hay nói chung là tác hại đến môi trường.
Đại diện Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan, Luật sư Nguyễn Thế Tân cam kết sẽ tạo ra những sản phẩm có hiệu quả cao đối với con người, thân thiện với môi trường.
Và hiện nay không chỉ tiêu dùng mà hàng loạt hoạt động, hàng hóa có thêm bổ ngữ “xanh” đi kèm như giao thông xanh, sản xuất xanh, năng lượng xanh, thực phẩm xanh,…đều có cùng nội hàm vì môi trường, bảo vệ môi trường.
“Bức tranh về chủ đề tiêu dùng xanh là rất rộng. Chung quy tiêu dùng xanh là lựa chọn được những sản phẩm an toàn với con người, thân thiện với môi trường. Nhưng làm sao để đạt được điều đó thì chủ để tiêu dùng xanh cần phải được quan tâm, xem xét, nghiên cứu nhiều hơn nữa”- GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh.
Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế môi trường, tiêu dùng bền vững, chuyên gia pháp lý, nhà báo am hiểu về lĩnh vực tiêu dùng và doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh.
Cần có những tiêu chí, cơ chế pháp lý rõ ràng hơn về tiêu dùng xanh
"Doanh nghiệp của chúng tôi đang phát triển một loại cây có tên gọi là Paulownia VN (Hông đặc chủng). Đây là loại cây có tốc độ tăng trưởng rất là nhanh và là giống cây do người Việt Nam lai tạo.
Giống cây này của chúng tôi hiện đã có rất nhiều nhưng không được đưa vào danh mục của nhà nước và không có trong danh mục thì không thế trồng đưa vào để trồng rừng.
Dù gặp rất nhiều khó khăn và công ty chúng tôi vẫn đi khắp nơi để phát động phong trào trồng loại cây này nhưng vẫn không được", bà Trần Thị Quỳnh Mai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tài nguyên Môi trường Paulownia VN Nam Á cho biết.
Cũng theo bà Quỳnh Mai, khó khăn mà doanh nghiệp của bà đang gặp phải là khi người dân trồng cây xong nhưng không có người mua vì chưa đưa vào danh mục của nhà nước thì không được bảo hộ, không bảo hộ thì không được chi trả như vậy là bất hợp lý.
Làm thế nào để đưa cây này vào danh mục, làm thế nào đăng ký cây này là sở hữu trí tuệ của Việt Nam đó là vấn đề rất quan trọng mà không chỉ doanh nghiệp của bà Mai gặp phải mà là vấn đề của nhiều đơn vị khác cũng đang vướng mắc tương tự.
Bà Mai đại diện Công ty TNHH MTV Tài nguyên Môi trường Paulownia VN chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình kinh doanh, hướng đến mục tiêu trồng cây xanh phủ trống đồi trọc ở Việt Nam.
"Chúng tôi đã có đã có những đơn đặt hàng rất lớn, nhưng cây này không nằm trong danh mục của nhà nước, chúng tôi đã liên hệ với nhiều đơn vị để mong muốn được hướng dẫn hướng đi cụ thể nhưng không nhận được câu trả lời", bà Mai chia sẻ.
Cũng theo bà Quỳnh Mai còn cho biết, chúng tôi có những đơn đặt hàng từ nước ngoài như Irael trả chúng tôi 1 triệu USD để xin làm cây này, nhưng nếu mình hợp tác thì sẽ mất bản quyền liền, bởi vì cây này có nguồn gốc từ Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp của bà Mai cũng mong muốn được đăng ký lộ trình bán tín chỉ carbon, đăng ký nhãn để trồng rừng cho Chính phủ theo các tiêu chí hiện hành.
Cũng tại hội thảo, một hộ kinh doanh các sản phẩm gia dụng nhận định, chúng ta cần xây dựng quy chuẩn tiêu dùng xanh, xây dựng logo sản phẩm, xây dựng tiêu chí để người dùng có cơ sở để lựa chọn được những sản phẩm xanh.
Bên cạnh đó, cần có có nhiều hơn những chuyên đề về tiêu dùng xanh để sớm có những khung pháp lý để áp dụng vào thực tiễn.
"Tham dự hội thảo tôi biết thêm được nhiều điều về tiêu dùng xanh, về bảo vệ môi trường trong kinh doanh và tiêu dùng, từ đó tôi sẽ xây dựng những ý tưởng riêng cho việc phát triển kinh doanh của mình", vị đại diện này chia sẻ.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại Hội thảo.
Đặc biệt, tham dự hội thảo có sự góp mặt của ông Đoàn Văn Khanh, một thương binh vượt khó, ham học hỏi, ông đã quyết tâm khăn gói lên đường và trở thành tân sinh viên của lớp trung cấp y học cổ truyền tại TP.HCM ở tuổi 51. Sau khi trang bị được những kiến thức cơ bản, ông quay trở về quê và tận dụng ngay những sản phẩm từ vườn nhà là những trái bưởi, nghiên cứu, biến thành nhiều sản phẩm có công dụng khác nhau.
Từ những đóng góp thiết thực, năm 2018, ông Khanh được Trường Đại học Florida (Mỹ) đã trao bằng tiến sĩ danh dự về những đóng góp trong lĩnh vực y học cổ truyền.
Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc DNTN Long Thuận, tỉnh Tiền Giang chia sẻ tại hội thảo.
Không dừng lại ở đó, thông qua phương tiện truyền thông ông biết về những nguy hại của rác thải nhựa đối với môi trường. Qua đó, ông đã xây dựng ý tưởng thực hiện khu du lịch bằng ve chai bằng cách tận dụng những chai nhựa, bọc nilon đã qua sử dụng để làm thành những ngôi nhà, cây cầu và trang trí ngay trong khu vườn nhà.
Qua hội thảo, ông Khanh mong muốn hành động tiêu dùng xanh sẽ ngày càng thiết thực hơn, cơ quan chức năng cần quan tâm, có những chính sách, cơ chế pháp lý rõ ràng để động viên, khuyến khích người dân tích cực hơn trong việc tiêu dùng và công tác bảo vệ môi trường.
Trước những vấn đề mà các doanh nghiệp đặt ra về tiêu dùng xanh, phát triển bền vững, PGS.TS Trương Mạnh Tiến đã giải thích, gợi mở nhiều hướng đi, vấn đề về tiêu dùng xanh. Đồng thời, các nội dung chưa chia sẻ hết tại khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia sẽ ghi nhận và có thông tin phản hồi từng vấn đề cụ thể.
Về những vấn đề pháp lý liên quan đến tiêu dùng xanh, tại Hội thảo, Luật sư Trương Anh Tú- Trưởng Văn phòng đại diện khu vực phía Nam của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, theo định nghĩa tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” ngày 01/10/2021 (Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh) thì, tiêu dùng xanh, bền vững là việc mua, sử dụng, tuyên truyền hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường và không gây nguy cơ cho sức khỏe con người để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại, đồng thời giảm phát thải và chất gây ô nhiễm trong chu trình sống, không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên và không làm tổn hại tới việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau.
Luật sư Trương Anh Tú ghi nhận và giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp về vấn đề pháp lý liên quan đến tiêu dùng xanh, phát triển bền vững.
Theo Luật sư Trương Anh Tú, có thể hiểu một cách ngắn gọn, Tiêu dùng xanh là việc mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người, tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.
Hiện nay, thuật ngữ pháp lý tiêu dùng xanh chỉ được định nghĩa lần đầu tiên tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 1658 (Tiêu dùng xanh, bền vững). Quyết định 1658 là văn bản thay thế cho Quyết định 1393/QĐ-TTg ban hành ngày 25/9/2012 về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định 1393). Tại Quyết định 1393, cũng không có định nghĩa về tiêu dùng xanh mà chỉ có định nghĩa về Tiêu dùng bền vững.
Điều này cho thấy, tiêu dùng xanh là vấn đề rất mới, do đó cũng không ngạc nhiên khi ngoài Quyết định 1658, có đề cập trực tiếp một số nội xung quanh tiêu dùng xanh theo dạng đi kèm với các quy định về Tiêu dùng bền vững thì các văn bản quy phạm pháp luật cấp độ Luật, Nghị định, Thông tư đều chưa có quy định riêng, quy định chuyên biệt về nội dung này.
Các quy định hiện hành có liên quan đến tiêu dùng xanh hiện đang tồn tại rải rác tại một số văn bản Luật, Nghị định, Thông tư, Kế hoạch… có liên quan đến quy định về bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quản lý, sử dụng năng lượng; quản lý rác thải… như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả năm 2010; Nghị định 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thông tư 25/2020/TT-BCT quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng; Quyết định số 1746/QĐ-TTg Quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030…
Trước sự mới mẻ và còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức đối với việc đạt được mục tiêu đã đề ra về tiêu dùng xanh. Luật sư Trương Anh Tú đề xuất một số những giải pháp nhằm tăng tính cạnh tranh về giá cả sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ xanh và thúc đẩy thói quen tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ xanh.
Trong đó, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, cập nhật thường xuyên cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và ngành nghề.
Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh. Phát huy vai trò định hướng thị trường, dẫn dắt sản xuất và tiêu dùng xanh của các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện và áp dụng nghiêm túc, triệt để các công cụ chính sách tài chính ưu đãi, các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng các công cụ thuế phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường.
Đồng thời, ưu đãi về thuế bao gồm thuế đối với nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào để sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ xanh, thậm chí cần có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Qua đó, rút ngắn chênh lệch về giá thành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thông thường và hàng hoá, dịch vụ xanh. Đảm bảo người tiêu dùng có khả năng tiếp cận như nhau về mặt giá đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ này.
Đồng thời, cần truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Phổ biến các thực hành tốt và hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh, hài hòa vốn thiên nhiên, gắn kết với các giá trị truyền thống.
Một số hình ảnh tại Hội thảo Tiêu dùng xanh – Phát triển bền vững hướng tới Net Zero 2050 do Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức đã để lại dấu ấn và thành công tốt đẹp:
Lãnh đạo Tạp chí Kinh tế Môi trường đã trao quà tặng lưu niệm và thư cảm ơn đến đại diện nhà tài trợ chính cho chương trình Hội thảo là Công ty CP Đại Việt Hương.
Cũng tại chương trình này, Ban tổ chức đã ghi nhận những đóng góp của một số doanh nghiệp tiêu biểu đã tích cực đồng hành cùng với Tạp chí Kinh tế Môi trường trong chiến dịch phát động phong trào tiêu dùng xanh- hành động cùng Chính phủ.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến- Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường trao chứng nhận, quà lưu niệm cho doanh nghiệp tiêu biểu.
Nhà báo Nguyễn Tường Quân- Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam- Phó Ban biên tập thường trực trao chứng nhận, quà lưu niệm cho một số doanh nghiệp tiêu biểu tại buổi hội thảo.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ- Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trao chứng nhận, quà lưu niệm tới đại diện doanh nghiệp tại Hội thảo.
Một sản phẩm từ cây gỗ có tính chất thân thiện môi trường đã được doanh nghiệp mang tới hội thảo.
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng với đại diện doanh nghiệp, khách mời tham dự Hội thảo.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại buổi Hội thảo: