Bích Ngọc ·
1 năm trước
 7267

Khách hàng cần chú ý những gì khi gửi tiền Ngân hàng?

Một trong những sản phẩm huy động vốn phổ biến nhất của các ngân hàng là gửi tiết kiệm và cũng được đánh giá an toàn nhất hiện nay. Thế nhưng, đã có nhiều khách hàng phản ánh tình trạng gửi tiết kiệm lại "biến hóa" thành mua chứng chỉ quỹ, trái phiếu, bảo hiểm.

Dù vô tình hay cố ý thì việc biến tiền gửi của những khách hàng không hiểu rõ các sản phẩm tài chính sang mục đích khác gây ảnh hưởng nhất định tới khách hàng. 

Phân biệt các sản phẩm tài chính này như thế nào?

Nhân viên ngân hàng vài năm trở lại đây không đơn thuần "sống" vào dịch vụ huy động tiết kiệm và cho vay. Ngành ngân hàng hiện nay ngày càng bán chéo nhiều sản phẩm tài chính hơn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ, chứng chỉ quỹ… Vậy cần phân biệt các sản phẩm tài chính này như thế nào?

Lựa chọn ngân hàng uy tín gửi tiền cũng là điều cần thiết khách hàng nên cân nhắc. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo Chuyên gia tư vấn tài chính Nguyễn Thanh Minh, Thành viên ban điều hành hoạch định tài chính cá nhân của Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, Tổng giám đốc OneSecond Việt Nam, người dân Việt Nam đã quen với hình thức gửi tiết kiệm. Khi có kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, người dân gửi vào đó nhiều hơn, tuy nhiên phần đông lại chỉ nhận biết gửi tiền vào ngân hàng, hết kỳ hạn rút ra cả gốc và lãi nhưng hiểu hết về tính chất loại hình gửi tiết kiệm.

Trên thực tế, các ngân hàng là huy động tiền gửi của người dân, doanh nghiệp, sau đó số tiền đó lại dùng tiền để cho vay. Thường lãi suất tiền gửi sẽ thấp hơn lãi suất cho vay và chính phần chênh lệch đó tạo ra lợi nhuận. 

Còn chứng chỉ tiền gửi là chứng nhận nợ của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng phải trả lại khách hàng cả gốc và lãi sau một thời gian. Lãi suất cho chứng chỉ tiền gửi sẽ cao hơn gửi tiết kiệm. Trong khi gửi tiết kiệm thường gửi kỳ hạn ngắn, kỳ hạn cho chứng chỉ tiền gửi phổ biến lại lên tới 14 -18 tháng.

Bên cạnh đó, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp hoặc chính phủ với người nắm giữ. Trong đó, trái phiếu có nhiều loại, có trái phiếu do chính ngân hàng phát hành để tăng vốn - bản chất gần giống gửi tiết kiệm, khá an toàn. Tuy vậy, vẫn còn một loại trái phiếu khác do ngân hàng phân phối cho các doanh nghiệp… Ngân hàng lúc đó chỉ là bên môi giới và không chịu trách nhiệm với việc hoàn tiền nếu các sản phẩm tài chính xảy ra những vấn đề không thể đoán định (chẳng hạn doanh nghiệp vỡ nợ không đủ khả năng trả lãi trái phiếu).

Về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thì bảo hiểm không phải là sản phẩm đầu tư, đây là dạng sản phẩm để khi gặp rủi ro sức khỏe, tính mạng… người mua bảo hiểm được đền bù phần tiền ký trong hợp đồng để chữa bệnh, khám bệnh… Nếu trong trường hợp khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm với mục đích đầu tư, lợi nhuận sẽ kém hơn các kênh đầu tư khác.

Rút tiền ở các sản phẩm tài chính này cũng có sự khác biệt mà khách hàng cần lưu ý. Khách hàng khi rút tiền cần để ý đến khả năng rút tiền theo kỳ hạn của các sản phẩm tài chính. Ví dụ, nếu rút tiết kiệm phần tiền gửi với kỳ hạn ngắn thường sẽ nhận mức lãi suất thấp. Các sản phẩm tài chính như: chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ, trái phiếu được nhận về lãi suất đảm bảo còn cổ phiếu thì không. Khi mua bảo hiểm, có 2 hình thức sẽ được nhận tiền về. Đầu tiên là không may gặp rủi ro sức khỏe thì sẽ kích hoạt điều kiện để khách hàng thụ hưởng. Còn nếu không gặp rủi ro, bất kỳ thời điểm nào khách hàng cũng có thể được rút ra. Thế nhưng, khi rút ra, phần tiền nhận về sẽ phải trừ nhiều loại chi phí như phí quản lý, bảo vệ rủi ro, phí khấu trừ ban đầu…

Tại sao lại có hiện tượng nhân viên ngân hàng nhập nhằng khi tư vấn tiền gửi và biến phần tiền gửi thành mua chứng chỉ quỹ, trái phiếu, bảo hiểm…? Liệu nhân viên ngân hàng có nhận chỉ đạo từ cấp trên?

Theo Chuyên gia, nước ta hiện có khoảng 300.000 người tư vấn bất động sản, 50.000 nhân viên tư vấn chứng khoán, khoảng 900.000 đại lý tư vấn bảo hiểm… Bên cạnh nhiều nhân viên tư vấn có kiến thức, có tâm vẫn có nhiều nhân viên đôi khi chỉ nói một nửa sự thật, tư vấn không kĩ, cái gì tốt thì nói và giấu những phần hạn chế mà trong bảo hiểm gọi là điều khoản loại trừ. 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Được biết, tất cả công ty bán sản phẩm tài chính đều kiếm doanh thu, lợi nhuận bằng cách bán sản phẩm. Nhân viên nếu không bán được sẽ không đạt KPI (chỉ tiêu). Nhân viên buộc phải tư vấn bán sản phẩm để đạt KPI thế nhưng đôi khi họ không được đào tạo để tìm người thực sự có nhu cầu mua mà chỉ "bơm" thông tin cho khách hàng mua sản phẩm để có lợi nhuận. Vậy nhân viên tư vấn thiếu thông tin dẫn đến việc khách hàng lựa chọn sai sản phẩm tài chính là sự vô tình hay có phải cố ý làm sai? Nhân viên tư vấn tới khách hàng không đủ thông tin thì vì lý do gì? Có thể những nhân viên này không được đào tạo đủ thông tin tư vấn. Thế nhưng cũng có những trường hợp nhân viên chỉ tập trung doanh số chứ không tập trung vào chất lượng, dẫn đến tình trạng trên.

Khi thông tin được đưa lên mạng xã hội, có rất nhiều ý kiến của người dân cho rằng nếu không có chỉ đạo từ cấp trên nhân viên ngân hàng sẽ không đủ tự tin để tư vấn như vậy. 

Cũng theo Chuyên gia tư vấn tài chính Nguyễn Thanh Minh, thường có 3 tầng cấp trong một định chế tài chính có môi giới bán sản phẩm tài chính của công ty khác: chỉ đạo cấp cao, quản lý trung gian và người môi giới. Cấp cao đôi khi chỉ đạo chỉ có con số về doanh số cần đạt. Họ áp doanh số nhưng có thể chưa đưa một công cụ để người môi giới có thể giao tiếp với khách hàng. Khi áp lực doanh số đổ xuống dưới, người môi giới phải nghĩ cách bán sản phẩm. Có thể các nhân viên rơi vào thế bí làm liều. Tuy nhiên, không phải tất cả đều như vậy nhưng chắc chắn có.

Những ngân hàng bị khách hàng tố tư vấn thông tin sai lệch?

Người dân đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng nhiều người đã nói bị “hô biến” thành chứng chỉ quỹ, trái phiếu, bảo hiểm.

Nói về những “lùm xùm” kể trên không thể không nhắc tới Ngân hàng SCB và bảo hiểm Manulife. Chiều 6/2, lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết đã nhận được các đơn thư tố giác của một số công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam.

Trong đó, các đơn thư đồng loạt cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm. Từ đó, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo, buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

Không chỉ ở SCB, nhiều khách hàng của một số ngân hàng khác cũng bị nhân viên tư vấn sai lệch khi giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, các ngân hàng này cũng đều đã ký hợp tác bán chéo bảo hiểm độc quyền tại hệ thống của mình. Một khách hàng của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) - chị Thanh Thảo (Hà Nội) cho biết, nhân viên ngân hàng mời chào nói rằng nay là ngày cuối được tặng vàng khi tham gia gói tiết kiệm đầu tư , chị Thảo bị thuyết phục. Tuy nhiên, tư vấn viên giải thích gói tiết kiệm đi kèm bảo hiểm nhân thọ bắt buộc, thế nhưng cũng không hề tư vấn bất kỳ thông tin gì về hợp đồng bảo hiểm kèm theo.

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook, một khách hàng của Ngân hàng MBBank số 02 Hùng Vương Hoà Lạc cũng cho biết đã bị nhân viên tư vấn không đúng thông tin.

Cụ thể vào ngày 18/3/2022, khách hàng này có nguyện vọng gửi tiết kiệm truyền thống có sinh lời với số tiền là 3 tỷ 500 triệu. Thế nhưng, sau khi đã nói rõ với nhân viên ngân hàng là muốn gửi tiết kiệm truyền thống, nhân viên vẫn tư vấn là nên gửi sang tiết kiệm chứng chỉ quỹ. Theo tư vấn, tiền của khách hàng sẽ được ngân hàng mang đi đầu tư, và cũng là một dạng gửi tiết kiệm nhưng lãi cao hơn và quỹ đang trả cho khách hàng lãi suất thấp nhất là 8-10%. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng lại chỉ tư vấn một nửa sự thật, tư vấn không kĩ, cái gì tốt thì nói và giấu những phần hạn chế (nhân viên cũng không hề nói đến vấn đề: nếu có biến động thị trường, ngân hàng đầu tư thua lỗ thì tiền em gửi sẽ có thể xuống ko có lãi và âm vào gốc). Sau khi tin tưởng vào tư vấn viên, khách hàng đã gửi tiết kiệm chứng chỉ quỹ với thời hạn 12 tháng.

Vào ngày 27/2, nhân viên có nhắn tin cho khách hàng, nói rằng món tiền của chị sắp đến hạn và lãi suất không được như kỳ vọng, tiền gửi 1 năm qua ko có lãi và bị âm vào gốc gần 500 triệu. Sau khi khách hàng hỏi lý do lại nhận được câu trả lời rất là “chị không biết ”, “chị không ngờ tới”, “chị ko biết nó sẽ xuống”, “chị đã không tư vấn kỹ cho em” ,...

Bên cạnh đó, nhân viên ngân hàng còn nói giá trị quỹ đã giảm từ tháng 11 năm ngoái nhưng nhân viên không nói cho khách hàng vẫn theo dõi khoản tiền của khách hàng đến hiện tại. 

Ngày 8/3/2023 khách hàng có lên ngân hàng làm việc, phía ngân hàng có hẹn 1 tuần làm việc lại và có nói sẽ cố gắng hoàn gốc lại cho nhà đầu tư. Sau 1 tuần, khi khách hàng lên ngân hàng trao đổi hướng giải quyết thì các cán bộ nhân viên ngân hàng lại thuyết phục khách hàng cố gắng gửi thêm 6 tháng đến 1 năm để số tiền phục hồi.

Theo khách hàng trên, nếu lúc gửi tiền nhân viên tư vấn đây là gói gửi dạng đầu tư, mua chứng chỉ quỹ của ngân hàng, lãi suất hiện tại có cao hơn nhưng sẽ không cố định, có khả năng âm nếu gặp biến động thị trường, ngân hàng đầu tư thua lỗ mà chị vẫn gửi thì sẽ chấp nhận rủi ro và không nói gì.. Tuy nhiên, trường hợp này trách nhiệm là do sự tắc trách trong công việc của nhân viên ngân hàng MBBank, vì chạy chỉ tiêu, vì sự cạnh tranh giữa các ngân hàng mà đã tư vấn mập mờ ko đầy đủ cho khách hàng… 

Số tiền gửi biến thành các sản phẩm tài chính... trách nhiệm bên nào là lớn nhất? Khách hàng cần lưu ý những gì khi gửi tiết kiệm?

Người tư vấn là người ngồi tư vấn hàng ngày cho khách hàng, được khách hàng tin tưởng, mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhân viên tư vấn có trách nhiệm phải tư vấn đúng, đặt lợi ích khách hàng là trên hết. Cơ quan quản lý nếu phát hiện ra sai phạm có thể xử phạt, khiển trách, nêu tên rõ để răn đe… 

Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý cấp cao phải nghiêm túc trong việc quản lý, điều hành nhân viên cũng như việc đào tạo chuẩn mực chứ không chỉ nhìn vào doanh số đạt được trên báo cáo. Khách hàng mua các sản phẩm tài chính của doanh nghiệp được phân phối bởi ngân hàng vì tin tưởng ngân hàng, thế nhưng không ý thức được, doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả vốn lẫn lãi cho khách hàng. Khách hàng cần biết rằng ngân hàng không có bất kỳ trách nhiệm nào với việc hoàn tiền nếu không may các sản phẩm tài chính xảy ra những vấn đề không thể đoán định (chẳng hạn doanh nghiệp vỡ nợ không đủ khả năng trả lãi trái phiếu). 

Qua những sự việc nêu trên, khách hàng cũng lưu ý phải tự bảo vệ mình và không được quá tin tưởng vào những nhân viên tư vấn. Nhiều người tư vấn thực chất vẫn đặt lợi ích của họ cao hơn lợi ích khách hàng. Khách hàng cần tự nâng cao kiến thức tài chính cá nhân, hiểu đầu tư là gì, phân biệt các sản phẩm tài chính ra sao…

Bên cạnh đó, khách hàng cần quan tâm đến việc lập kế hoạch tài chính cá nhân. Thị trường tài chính ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính rất phức tạp. Với sự phát triển của xã hội, sau này sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính phức hợp, kết hợp nhiều tính năng. Khách hàng muốn mua sản phẩm tài chính có lợi nhất thì hãy tìm hiểu (chẳng hạn có nên mua trái phiếu này không, trái phiếu nào rủi ro,...). 

Theo TS Phan Phương Nam, bản thân người dân cũng cần có trách nhiệm và đặc biệt cẩn trọng khi ký tên vào các giấy tờ. Trường hợp tới ngân hàng gửi tiết kiệm thì phải có sổ tiết kiệm.

Nếu người tư vấn nói bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm được tặng kèm thì khách hàng cũng cần phải cầm về sổ tiết kiệm, bất kể nhân viên tư vấn có tìm cách giải thích như thế nào vẫn phải giữ lập trường.

Cùng với đó, lựa chọn ngân hàng uy tín gửi tiền cũng là điều cần thiết khách hàng nên cân nhắc.

Cơ quan quản lý cần ban hành thêm những quy định chặt chẽ?

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có đề xuất ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm khi tư vấn, thậm chí lưu lại 5 năm nội dung ghi âm. Khi tư vấn sản phẩm tài chính, phía đơn vị trung gian phải lưu lại biên bản tư vấn, ghi âm và có xác nhận.

Thế nhưng, nếu chưa được đào tạo đầy đủ về nghiệp vụ thì dù có ghi lại, việc tư vấn cũng chưa đúng, chuẩn và khách hàng vẫn có thể hiểu sai, làm sai, gây ra hậu quả không đáng có. Có thể nói, ghi âm lại nội dung tư vấn chưa phải điều thực sự quan trọng nhất mà là chất lượng tư vấn phải tốt và có tâm mới là điều quan trọng nhất.