Về hoạt động đại lý bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu nghiêm túc chấp hành quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thông tư số 135/2012/TT-BTC ngày 15/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, Thông tư số 52/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và các văn bản có liên quan khác.
Cân nhắc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với nhiều hơn 1 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhằm đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phân phối tới khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó lưu ý hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe.
Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, cơ quan quản lý tiền tệ lưu ý đảm bảo tư vấn đúng quy trình đã được hướng dẫn và các quy trình khác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Trong quá trình tư vấn cho khách hàng phải thực hiện phân tích thông tin khách hàng như nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, thực hiện khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng. Từ đó đưa ra tư vấn sản phẩm phù hợp dành cho khách hàng.
Bảo đảm tất cả các khách hàng phải được giải thích rõ về quyền lợi của sản phẩm, nhận thức được các rủi ro đặc thù của sản phẩm đã lựa chọn trước khi ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; có văn bản chứng minh khách hàng đã được tư vấn đầy đủ, hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm đã lựa chọn và sản phẩm bảo hiểm này phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đại lý bảo hiểm triển khai hoạt động theo phương thức để nhân viên của công ty bảo hiểm trực tiếp tư vấn sản phẩm cho bảo cho khách hàng thay cho nhân viên của TCTD.
Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các hành vi hành vi tác động, xúi giục khách hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện tại để tham gia hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư.
Mập mờ trong quá trình tư vấn
Được biết, gần đây các dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư nở rộ nhưng lại có sự mập mờ trong quá trình tư vấn của các tư vấn viên bảo hiểm khiến nhiều người tham gia loại sản phẩm này không khỏi hoang mang.
Một số chuyên gia cho biết, thông thường một bộ hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư dài khoảng từ 70 đến 100 trang, là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua, nếu gặp phải những tư vấn viên không có tâm.
Không những thế, cả những chuyên gia tài chính hay chuyên gia pháp luật không chuyên ngành bảo hiểm cũng gặp khó khăn trong tiếp cận, nhiều chuyên gia cho biết chỉ hiểu khoảng độ 70% nội dung hợp đồng. Hơn thế nữa, trong thời gian gần đây các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường dưới dạng liên kết đầu tư, tức là một phần tiền của khách hàng được các hãng đưa vào các quỹ chứng khoán, trái phiếu, cho nên càng phức tạp.
Một số khách hàng đã mua loại hợp đồng bảo hiểm này cho biết, các nhân viên tư vấn thường quảng cáo sản phẩm này khác với sản phẩm truyền thống, dạng đầu tư kiểu lướt sóng. Theo đó, khách hàng có thể đầu tư tối thiểu 50 triệu đồng/năm và có thể đầu tư linh hoạt, rút tiền hàng năm. Tuy vậy, thực chất đây là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Hơn nữa, một số nhân viên tư vấn bảo hiểm vì để nhanh chốt được hợp đồng đã hoàn toàn giấu nhẹm yêu cầu bắt buộc đóng phí hàng năm, cũng như không hề nhắc đến điều khoản nếu hủy hợp đồng bảo hiểm trước thời gian đáo hạn, công ty bảo hiểm sẽ không hoàn lại toàn bộ số phí đã đóng, tức là khách hàng gần như mất trắng.
Bên cạnh đó, nhiều người dân đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng nhiều người (nhất là người lớn tuổi) đã nói bị nhân viên dụ thành "bảo hiểm nhân thọ". Những ngân hàng bị khách hàng tố tư vấn thông tin sai lệch có thể kể đến: Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng MBBank.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ thực hiện quy chế, chức năng nhiệm vụ được giao. Tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các sai phạm của các tổ chức, cá nhân (nếu có) trong việc bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm nói riêng và thị trường dịch vụ tài chính nói chung. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6947212915338405/?