Bích Ngọc ·
1 năm trước
 3129

Một doanh nghiệp chậm trả nợ hơn 800 tỷ đồng trái phiếu, lý do là gì?

Tổng số tiền gốc và lãi trái phiếu mà doanh nghiệp này chưa thanh toán là khoảng 840 tỷ đồng với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 5/5 đã công bố báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi năm 2022 của CTCP Tập đoàn Thái Tuấn. Theo đó, doanh nghiệp này có 2 lô trái phiếu đang lưu hành, trong đó một lô trị giá 300 tỷ đồng được phát hành ngày 12/4/2021 với kỳ hạn 18 tháng (đáo hạn ngày 12/10/2022), một lô trị giá 500 tỷ đồng được phát hành ngày 20/5/2021, cũng với kỳ hạn 18 tháng (đáo hạn ngày 20/11/2022).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tuy nhiên, khi đến kỳ đáo hạn 2 lô trái phiếu trên, do chưa thu xếp được nguồn thanh toán nên Thái Tuấn chưa thể thanh toán tiền gốc. Về tiền lãi, với lô 300 tỷ đồng, tính đến ngày 12/4/2022, trong tổng số gần 33 tỷ đồng tiền lãi công ty đã thanh toán 16,5 tỷ đồng, còn với lô 500 tỷ đồng, tính đến ngày 20/5/2022, trong tổng số 55 tỷ đồng tiền lãi công ty đã thanh toán 27,7 tỷ đồng.

Có thể thấy, trên tổng số tiền lãi phải trả của mỗi trái phiếu doanh nghiệp này chỉ mới thanh toán được một nửa. Số tiền thanh toán gốc (800 tỷ đồng) chưa được thanh toán. Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng cộng công ty này đã chậm thanh toán 844 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu.

Được biết, hai lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thông qua đại lý phát hành có lãi suất 11%/năm (trả lãi 6 tháng/lần).

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Hình thức đảm bảo trái phiếu là bảo lãnh thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Tài sản đảm bảo của trái phiếu 300 tỷ đồng gồm 20 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn Thái Tuấn với tổng mệnh giá là 200 tỷ đồng; nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 07, 08, 09 Trang Tử, phường 14, quận 5, TP HCM và 2,6 ha đất tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có tổng giá trị 210 tỷ đồng, được định giá bởi CTCP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, với lô trái phiếu 500 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là hơn 16 triệu cổ phần của công ty, tổng giá trị gần 810 tỷ đồng (tương đương mỗi cổ phần có giá trị 50.450 đồng).

Về tình hình kinh doanh, Thái Tuấn ghi nhận doanh thu 818 tỷ đồng vào năm 2018, tuy nhiên do lợi nhuận khác âm nặng 51 tỷ đồng khiến công ty thua lỗ hơn 9,4 tỷ đồng. Đến năm 2019 tuy doanh thu giảm nhẹ xuống 785 tỷ đồng nhưng Thái Tuấn vẫn có lãi ròng gần 17 tỷ đồng.

Sang năm 2020, Thái Tuấn chỉ ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 441 tỷ đồng nhưng vẫn lãi ròng 19 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong giai đoạn 2018-2021. Đến năm 2021 doanh thu công ty tăng lên đỉnh cao trở lại với 879 tỷ nhưng lợi nhuận lại sụt giảm xuống còn 13,4 tỷ đồng.

Đến thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Thái Tuấn tăng đột biến gấp 5,1 lần (lên 3.142 tỷ đồng). Trong đó, tập trung chủ yếu vào các khoản phải thu ngắn hạn gấp 5,6 lần (chiếm 2.103 tỷ đồng), tiền mặt cũng tăng mạnh lên 40 tỷ đồng, chi phí xây dựng cơ bản dở dang vọt lên gần 298 tỷ.

Trong cơ cấu nợ, Thái Tuấn vay nợ tài chính 1.188 tỷ đồng (gấp 7,5 lần đầu kỳ).

Năm 2021 cũng là năm mà vốn góp của chủ sở hữu Thái Tuấn gấp 6,3 lần (tăng từ 263,6 tỷ lên 1.680 tỷ đồng).

CTCP Tập đoàn Thái Tuấn tiền thân là CTCP Tập đoàn Thời trang Thái Tuấn, được thành lập năm 1993 bởi doanh nhân Thái Tuấn Chí. Nổi tiếng với thương hiệu vải Thái Tuấn, là một trong những doanh nghiệp dệt may cung cấp sản phẩm và dịch vụ thời trang hàng đầu Việt Nam, chuyên sản xuất vải dệt jacquard, vải in bông trên công nghệ in digital, vải đơn sắc, vải đa sắc…

Được biết thương hiệu Thái Tuấn gắn liền với Công ty Dệt Long An. Công ty hiện có 3 dự án đầu tư tại Long An gồm Nhà máy hoàn thiện sản phẩm may và May mặc Deltech tại KCN Phúc Long; Nhà máy May tại KCN Long Hậu (Cần Giuộc) và Dự án Nhà máy sản xuất vải may mặc tại KCN Anh Hồng (Đức Hòa).

Tạ Ngọc