Khi bà Vũ Thị Thúy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam bị tạm giữ do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến nhiều nhà đầu tư trót rót vốn vào doanh nghiệp này vô cùng lo lắng cho tài sản của mình. Theo các luật sư đánh giá, khả năng lấy lại tiền của họ là rất khó.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Lawfirm cho rằng, muốn sớm lấy được tiền thì các nhà đầu tư cần nhanh chóng tập hợp, cung cấp tài liệu, chứng cứ về vụ việc cho cơ quan chức năng. Việc này đảm bảo quyền lợi chính đáng, đồng thời giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong việc củng cố hồ sơ điều tra. Tuy vậy, thời gian lấy lại được số tiền đó vẫn còn phụ thuộc vào các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Vị luật sư này nhấn mạnh, trước việc bà Vũ Thị Thúy đang bị tạm giữ nguy cơ và rủi ro của các nhà đầu tư hiện hữu quá rõ vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời điểm này, nhà đầu tư cần tập hợp các tài liệu, trong đó là những giấy tờ hợp đồng ký kết với phía Nhật Nam trước đó sau đó cung cấp cho cơ quan chức năng. Đồng thời cần trao đổi thành thật, không che giấu thông tin mà phải công khai, minh bạch để từ đó công tác điều tra của cơ quan chức năng được tiến hành thuận lợi hơn. Tránh trường hợp chậm cung cấp thông tin, hay né tránh, khi đó cơ hội lấy lại tiền đầu tư đã khó khăn sẽ chồng thêm khó khăn.
Theo Chủ tịch TAT Lawfirm, hình thức hoạt động của doanh nghiệp này không khác gì việc huy động vốn đa cấp bất động sản. Lãi suất cao nhà đầu tư càng dễ bị sập bẫy, nguy cơ rủi ro càng lớn. Hoạt động gọi vốn của bất động sản Nhật Nam có nhiều rất dấu hiệu bất thường. Trong bối cảnh thị trường bất động sản nhiều khó khăn thì việc một doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất 34 - 46%/năm, thậm chí 70 - 80%/năm là điều không tưởng.
Luật sư Trần Đình Thắng, Công ty Luật KoCi, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nhà đầu tư của Công ty Nhật Nam hiện đang đối diện với rất nhiều nguy cơ.
Các nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng và nộp tiền thì sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư thì doanh nghiệp này lại không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân để chuyển tiền, đây là dấu hiệu che giấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật quản lý thuế.
Sau khi các quyết định tố tụng như khởi tố vụ án, khởi tố bị can nếu như đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản, phong tỏa giao dịch dân sự, kinh tế liên quan đến cá nhân, tổ chức để đảm bảo thi hành án sau này nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Được biết, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ của vụ án để xác định số tiền thiệt hại của từng người và trách nhiệm của CEO Nhật Nam đối với việc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại.
Tuy vậy, người bị hại sẽ có ít cơ hội lấy lại tiền mà mình đã bỏ ra. Nguyên nhân là các công ty thực hiện hành vi như vậy thường là huy động tiền của người sau trả cho người trước và dùng vào các khoản chi tiêu khác hoặc tẩu tán các khoản huy động đó nên khi bị bắt thì các khoản tiền huy động gần như không còn (hoặc còn lại rất ít).
Theo phân tích của luật sư Thắng, hiện nay, khoản tiền các nhà đầu tư đã chuyển cho Nhật Nam tạm thời vẫn chưa xác định được cụ thể là bao nhiêu. Do đó, cơ quan tố tụng sẽ phong tỏa toàn bộ các tài sản liên quan của doanh nghiệp này để đảm bảo không bị tẩu tán. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng sẽ thực hiện các thủ tục tố tụng cho đến khi tòa án có bản án hiệu lực pháp luật. Các nhà đầu tư sẽ phải cung cấp các tài liệu chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy vậy, những thiệt hại về thời gian, công sức cùng với các rủi ro khác là điều không thể tránh khỏi đối với những nhà đầu tư đã trót rót vốn vào các dự án của bất động sản của doanh nghiệp này.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6830836960309335/?