Bích Ngọc ·
17 tuần trước
 9836

Sẽ sửa Nghị định 24 để kiểm soát giá vàng?

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, ngày 3/1, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định không để giá vàng miếng chênh lệch lớn với giá vàng thế giới và sẽ xem xét sửa Nghị định 24 nhằm kiểm soát giá vàng.

Giá vàng thời gian qua biến động mạnh là do cơ chế

Trước diễn biến bất thường của giá vàng miếng SJC trong những ngày qua, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho hay, đây là dịp để cơ quan quản lý đánh giá lại chính sách quản lý vàng, đồng thời như đánh giá, tổng kết lại những mục tiêu, chính sách của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo ông Tuấn, thời điểm ban hành Nghị định 24 cách đây hơn 10 năm trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn đang bất ổn nên đã góp phần ổn định thị trường vàng. Gần đây, giá vàng tăng cao nhưng tỷ giá vẫn ổn định, đây là cơ sở để chứng minh rằng mục tiêu ổn định ngoại hối đã đạt được.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ông Tuấn cũng cho biết, trong tháng 1/2024, NHNN sẽ có báo cáo tổng kết, định hướng, trình Chính phủ chủ trương thay đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng để phù hợp tình hình mới. 

Theo ông Tuấn, giá vàng thời gian qua biến động mạnh là do cơ chế. Sửa cơ chế để khẳng định hai vấn đề: NHNN sẽ xem xét lại cơ chế quản lý vàng miếng; đối với vàng không phải vàng miếng, mục tiêu của NHNN không phải là quản lý các loại vàng này, thị trường tự quyết định.

Nhu cầu vàng trong nước lớn, kể cả những thời điểm giá vàng tăng cao gần đây, nhưng nguồn cung lại khan hiếm, đặc biệt là với vàng thương hiệu SJC vì hiện Ngân hàng Nhà nước không còn cấp quota dập vàng miếng SJC.

Trong khi đó, những người đang có vàng cũng chưa muốn bán ra nên cung - cầu trong nước lệch pha, khiến giá vàng nội địa tăng nhanh và khó giảm theo đà của vàng quốc tế trong những thời điểm đi xuống.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, nhà nước không khuyến khích hoạt động kinh doanh vàng miếng và cũng không bảo hộ cho giá cả của vàng miếng. Nhưng ngược lại, Ngân hàng Nhà nước cũng không chấp nhận việc chênh lệch quá lớn giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới lên tới mức gần 20 triệu đồng/lượng như trong thời gian vừa qua. Đồng thời cũng không chấp nhận chênh lệch quá lớn giữa vàng miếng SJC với các loại vàng nhẫn 9999 lên đến trên 10 triệu đồng/lượng.

Đối với đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC theo quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đang xem xét việc độc quyền vàng miếng SJC có còn cần thiết không. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng không cần thiết phải độc quyền SJC hay cần thiết phải có nhiều thương hiệu vàng khác. Tuy nhiên, dù chỉ có độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC hay nhiều loại vàng khác thì mục tiêu cuối cùng là phải đạt được là vấn đề quản lý nhằm ổn định thị trường vàng miếng, không ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô và đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân.

Ông Tú cho biết, tất cả những bất cập còn tồn tại sẽ được xử lý triệt để trong quá trình sửa đổi Nghị định 24 trong thời gian tới và khi sửa Nghị định 24, NHNN sẽ đánh giá lại vai trò của SJC trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Phó Thống đốc cũng khẳng định, việc quản lý thị trường vàng miếng không phải là vì quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh vàng mà là vì quyền lợi của 100 triệu dân Việt Nam. Nhà nước không bảo hộ kinh doanh vàng bạc, đặc biệt là vàng miếng và không bảo hộ giá vàng.

Cuối năm 2023, giá vàng trong nước diễn biến bất thường, có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua - bán cao nhất lên tới 5,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng cũng được các chuyên gia dự đoán trong năm 2024 sẽ tăng do chịu tác động từ giá thế giới. Vài tháng tới, sức cầu đối với vàng được dự báo ở mức cao do một số nước châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, vào cao điểm tiêu thụ vàng trong năm.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7257715304288163/?