Minh Anh ·
51 tuần trước
 7896

Tỉnh nào nhập khẩu điện từ Trung Quốc?

Ngày 24/5, chính thức đóng điện từ phía Thâm Câu (Trung Quốc) sang Việt Nam qua đường dây 110 kV Thâm Câu - Móng Cái. Theo đó, toàn bộ TP Móng Cái và huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) sẽ sử dụng điện do phía Trung Quốc cung cấp trong các vòng 3 tháng.

Ảnh minh họa.

Giải pháp ứng phó là nhập khẩu điện

Thông tin này được ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chia sẻ tại hội nghị tiết kiệm điện và phát động tiết kiệm điện trên toàn quốc diễn ra mới đây.

Theo đó ngày 22/5, Điện lực TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã tạm cắt điện toàn thành phố trong khoảng 3 tiếng để hoàn tất đấu nối, vận hành đường dây 110kV Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) phục vụ cho việc nhập điện trong thời gian tới.

Cùng ngày, tại TP Đông Hưng (Trung Quốc), đoàn công tác của EVN miền Bắc có buổi làm việc với Công ty Lưới điện Quảng Tây (Trung Quốc) để đàm phán hợp đồng nhập khẩu điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với Công ty Lưới điện Quảng Tây.

Công ty Lưới điện Quảng Tây nhất trí với phương án mua bán điện qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái do phía Việt Nam đề xuất. Phía Trung Quốc khẳng định sẽ triển khai ngay việc chuẩn bị hạ tầng cơ sở, kỹ thuật vận hành để đảm bảo cung cấp điện cho phía Việt Nam sau khi lãnh đạo hai bên thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện.

Khi hợp đồng có hiệu lực, trong các tháng 5, 6, 7, điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp cho trạm 110kV Móng Cái (TP Móng Cái) và 110kV Quảng Hà (huyện Hải Hà). Như vậy, sau khi thực hiện ký kết hợp đồng, toàn bộ TP Móng Cái và huyện Hải Hà sẽ sử dụng điện từ phía Trung Quốc cấp.

Theo Điện lực TP Móng Cái, từ đầu năm đến nay, do diễn biến bất thường của thời tiết nên tổng lượng mưa trên toàn quốc thấp hơn trung bình nhiều năm. Hiện nước tại nhiều hồ thủy điện ở mức rất thấp, cùng với việc khó khăn trong cung ứng nhiên liệu nên tình hình vận hành hệ thống điện năm 2023 sẽ rất khó khăn.

Trước đó, ngày 18/5, do tình trạng thiếu hụt điện và bị ảnh hưởng bởi vụ cháy rừng trên địa bàn xã Vũ Oai (TP Hạ Long) đã ảnh hưởng tới 2 đường dây điện 110kV cấp điện cho các trạm 110kV ở một số phường trên địa bàn. Một số địa phương trên địa bàn TP Hạ Long trong những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua đã bị cắt điện luân phiên, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Tương tự, EVN cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông, dự kiến vận hành thương mại từ ngày 22/5; qua cụm nhà máy thủy điện Nậm San hoàn thành đóng điện và hòa lưới quốc gia vào ngày 22/5.

Liên quan đến nhập khẩu điện, tại buổi họp giao ban báo chí ngày 9/5, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, thông tin Việt Nam nhập khẩu điện từ Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu Hà Giang và Lào Cai.  Tuy nhiên, bởi giới hạn về đường dây 220 kV, khả năng nâng công suất nhập khẩu điện từ Trung Quốc không thực hiện được. Do đó, tập đoàn đang phải nghiên cứu để nhập khẩu điện qua đường dây 500 kV.

Đối với việc nhập khẩu điện từ Lào, EVN đang ký hợp đồng với các chủ đầu tư cấp điện bên Lào với công suất 1.000 MW, đồng thời yêu cầu đơn vị đầu tư xây dựng các tuyến đường dây để sớm đưa nguồn điện về qua tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, thông qua hệ thống đường dây đã được xây dựng xong ở Tương Dương (tỉnh Nghệ An), phía Việt Nam sẽ nhập khẩu thêm điện từ Lào. Các bên đang chờ hoàn thiện hệ thống đường dây phía Lào để thông suốt.

Thực tế, Việt Nam đã nhập khẩu điện của Lào và Trung Quốc trong nhiều năm qua, và đây cũng được xem là một biện pháp lâu dài trong đảm bảo cung ứng điện. Việc nhập khẩu điện từ Lào cũng tạo ra những cơ hội để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước.

Tiết kiệm điện là giải pháp bền vững

Trong bối cảnh cung ứng điện căng thẳng, theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), giải pháp bền vững hơn cả là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong dự thảo chỉ thị về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo mới đây, Bộ Công Thương cũng đánh giá việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn 2020-2025 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Cơ quan này dẫn báo cáo của EVN cho biết việc cung ứng điện mùa khô năm 2023 sẽ những khó khăn lớn trong thời gian tới. "Sẽ có rất nhiều hồ chứa thủy điện về mực nước chết, khi đó chỉ có thể vận hành cầm chừng trong thời gian rất ngắn theo lưu lượng nước về", Bộ cho biết.

Theo Bộ Công Thương, nếu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện không đủ cho vận hành thì hệ thống có thể xảy ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.

Theo đó, Bộ Công Thương đưa ra mục tiêu chung hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Đưa ra các mục tiêu cụ thể và các giải pháp thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ quan bộ, ban ngành.

Tại các hộ gia đình, cơ quan này đề xuất sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng. Thường xuyên thực hành hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện, chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết...

Tạ Nhị