Cảnh báo nguy cơ thiếu điện
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số hồ thủy điện về mực nước chết hoặc xấp xỉ mực nước chết tiếp tục tăng, hệ thống điện không còn công suất dự phòng, cả nước có nguy cơ thiếu điện.
Cũng trong thời gian gần đây, thị trường năng lượng thế giới diễn biến rất phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức cao.
Trong khi đó, ở nước ta do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thủy điện (các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém).
Tính đến ngày 11/5, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua.
Không chỉ vậy, từ cuối tháng 4 đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, khiến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dân dụng.
Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm; một số hồ chỉ đạt 20%, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do gió kém nên chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.
Theo EVN, trong ngày 19/5, phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới, xấp xỉ 924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5.2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022.
Ảnh minh họa.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng đã triệt để khai thác tiết kiệm thủy điện nhưng tính đến ngày 21.5, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 2,911 tỉ kWh, thấp hơn 1,726 tỉ kWh so với kế hoạch năm.
Hiện, EVN đang triển khai mọi biện pháp để bổ sung nguồn cung từ nhiệt điện, nhưng nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu. Điều này gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng nếu không có những giải pháp kịp thời, quyết liệt hơn.
Do đó, một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, góp phần bảo đảm đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội thời gian tới là sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Từ 24/5, Quảng Ninh nhập khẩu điện từ Trung Quốc
Từ 0h ngày hôm nay (24/5), phía Thâm Câu (Trung Quốc) chính thức đóng điện xuất khẩu sang Việt Nam qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái. Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ cấp điện cho Việt Nam với tổng công suất tối đa 70MW và 30 triệu kWh/tháng.
Trong các tháng 5, 6 và 7/2023, phần điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp cho trạm 110kV Móng Cái, TP.Móng Cái và 110kV Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi thực hiện ký kết hợp đồng, toàn bộ TP.Móng Cái và huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) sẽ sử dụng điện từ phía Trung Quốc cấp. Đây được xem biện pháp cấp bách nhằm giảm tải khó khăn về nguồn của hệ thống điện phía Bắc trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, ngày 18/5, do tình trạng thiếu hụt điện và bị ảnh hưởng bởi vụ cháy rừng trên địa bàn xã Vũ Oai (TP.Hạ Long) đã ảnh hưởng tới 2 đường dây điện 110 kV cấp điện cho các trạm 110 kV ở một số phường trên địa bàn.
Do vậy, một số địa phương trên địa bàn TP.Hạ Long trong những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua đã bị cắt điện luân phiên, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Trong đợt này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông và nhà máy thủy điện Nậm San.
Đây là một trong các biện pháp được EVN báo cáo Chính phủ để ứng phó với tình hình nguồn điện căng thẳng. Việc nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện thời gian tới.
Thực tế, Việt Nam đã nhập khẩu điện của Lào và Trung Quốc trong nhiều năm qua, và đây cũng được xem là một biện pháp lâu dài trong đảm bảo cung ứng điện. Việc nhập khẩu điện từ Lào cũng tạo ra những cơ hội để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước.
Cùng với việc nhập khẩu, để đảm bảo cung ứng điện, EVN cho biết đang làm việc với Tập đoàn TKV, Tổng công ty Đông Bắc, PVN để cung cấp than, khí, dầu cho vận hành các nhà máy điện. Doanh nghiệp cũng đang đàm phán với các chủ đầu tư các dự án điện gió, mặt trời đã đủ điều kiện để phát điện ngay lên lưới điện quốc gia.
Liên quan đến việc nhập khẩu điện, tại buổi họp giao ban báo chí ngày 9/5, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, thông tin Việt Nam nhập khẩu điện từ Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu Hà Giang và Lào Cai. Tuy nhiên, bởi giới hạn về đường dây 220 kV, khả năng nâng công suất nhập khẩu điện từ Trung Quốc không thực hiện được. Do đó, tập đoàn đang phải nghiên cứu để nhập khẩu điện qua đường dây 500 kV. Đối với việc nhập khẩu điện từ Lào, EVN đang ký hợp đồng với các chủ đầu tư cấp điện bên Lào với công suất 1.000 MW, đồng thời yêu cầu đơn vị đầu tư xây dựng các tuyến đường dây để sớm đưa nguồn điện về qua tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, thông qua hệ thống đường dây đã được xây dựng xong ở Tương Dương (tỉnh Nghệ An), phía Việt Nam sẽ nhập khẩu thêm điện từ Lào. Các bên đang chờ hoàn thiện hệ thống đường dây phía Lào để thông suốt. |