Minh Anh ·
27 tuần trước
 9144

Chuyên gia nói gì về quỹ đất tại Hà Nội?

Trong điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô tới đây, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần tính toán dành tỷ lệ đất ở hợp lý để phát triển nhà ở xã hội tại khu vực phát triển mới, đồng bộ với cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa khu vực đô thị cũ.

UBND thành phố mới đây cho biết từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội có bốn dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ. Hiện 40 dự án triển khai, trong đó 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 870.000 m2 sàn, hơn 12.000 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 22.400 căn hộ.

Thành phố đã giao cơ quan chuyên ngành lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với hai dự án xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh và đang xem xét ba dự án còn lại tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; ô đất CT1-5 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5 thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín; và tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Dự kiến, năm dự án khi hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn vào quỹ nhà ở xã hội của thành phố.

Triển vọng thị trường căn hộ phía Tây Hà Nội

Ảnh minh họa. (ảnh:ITN)

Tuy nhiên, Hà Nội cho rằng việc xây dựng nhà ở xã hội hiện còn một số vướng mắc. Quy định về dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại Nghị định 100/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49/2021) còn bất cập. Nhiều dự án phát triển nhà ở thương mại ở ngoại thành không phù hợp bố trí nhà ở xã hội (như Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức). Có dự án nhà ở thương mại quy mô từ 2 hecta nhưng có diện tích đất xây dựng nhà ở nhỏ, theo quy định vẫn phải dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.

Luật chưa quy định việc sử dụng nguồn tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội có quy mô sử dụng dưới 10 hecta, trong khi đó nguồn lực tài chính của thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.

Theo KTS Lê Hoàng Phương - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, qua rà soát kết quả thực hiện QHC 2011 cho thấy, phát triển đô thị của Hà Nội thời gian qua còn phân tán, dàn trải, chưa đồng bộ. Các khu đô thị mới phát triển nhanh song còn dàn trải, chưa cân đối giữa phát triển mới với tái thiết. Chưa chú trọng phát triển nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư.

Nhà ở xã hội chỉ đạt khoảng 20% và nhà ở tái định cư chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ hoàn thành các dự án nhà ở xã hội tập trung và nhà ở xã hội trong các dự án thấp (đạt khoảng 30 - 47%). Bên cạnh đó, công tác cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nhằm cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân khu vực trung tâm vẫn còn chậm…

Đánh giá sau hơn 10 năm triển khai QHC 2011, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng nêu, chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực nông thôn đã đạt vượt mục tiêu đề ra (đến năm 2030), trong khi chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực đô thị chỉ tăng khoảng 1,2m2/người, chưa bảo đảm mục tiêu.

Ngoài ra, việc phát triển loại hình nhà ở giá rẻ còn chậm so với nhu cầu. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực và quyết liệt từ phía chính quyền nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư, cần xem xét lại chỉ tiêu bình quân sàn nhà ở/người tại khu vực đô thị đến năm 2030 để bảo đảm tính khả thi.

Tăng quỹ nhà ở xã hội tại các đô thị vệ tinh

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho phần đông dân số của Hà Nội, TP cần xác định rõ quy mô quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ ở mỗi phân khu quy hoạch. Dành tỷ lệ đất ở hợp lý trong tổng số đất đai quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, từ đó có kế hoạch bảo đảm nguồn cung phù hợp với nhu cầu nhà ở trong từng giai đoạn.

Đồng thời, các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 có quy mô từ 10ha trở lên có tỷ lệ bố trí đất xây nhà ở xã hội phải bảo đảm nguyên tắc dành bình quân 25% diện tích đất ở theo Nghị quyết của HĐND TP. Cùng đó, TP cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Đó là đưa diện tích nhà ở bình quân lên 27,6 - 29,5m2/người, tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới theo dự án khoảng 20,44 triệu m2; tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành khoảng 25.000 căn hộ.

Về giải pháp lâu dài nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà ở của người dân, đồng thời gắn với phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững, hiện đại, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, trong quá trình triển khai Điều chỉnh tổng thể QHC 2011 tới đây sẽ dự báo nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng đến năm 2030, 2045 bao gồm nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, nhà ở cho sinh viên, nhà ở công vụ từng giai đoạn.

Dự báo quỹ đất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở của TP trong giai đoạn 2025 - 2030 - 2045. Xây dựng hệ thống giải pháp phù hợp với tình hình cụ thể của TP, dựa trên các mục tiêu được đề ra nhưng vẫn bảo đảm được tính bền vững cho công tác phát triển nhà ở.

Về các chỉ tiêu cụ thể, lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, trong định hướng quy hoạch đề xuất diện tích sàn nhà ở bình quân toàn TP đạt 32m2 sàn/người, trong đó nhà ở đô thị là 33m2 sàn sử dụng/người, nhà ở nông thôn tối thiểu 28m2 sàn sử dụng/người.

Đối với nhà ở xã hội, phát triển mới khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở và phát triển theo hướng giảm tại khu vực trung tâm, tăng tại các khu vực phát triển mới, các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, bảo đảm mục tiêu thu hút dân cư ra khỏi khu vực các quận và gắn kết với nơi làm việc mới (khu công nghiệp, khu công nghệ cao). Riêng với cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ sẽ phân bổ lại quy mô dân số tại các khu vực quy hoạch, cân đối tại chỗ, đáp ứng hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh…

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6994656753927354