Sáng ngày 27/4, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – HoSE: VCG). Theo đó, Vinaconex đã tiến hành mua lại trước hạn 100 tỷ đồng trái phiếu của lô VCGH2123001 vào ngày 26/4, hạ số lượng đang lưu hành xuống còn 120 tỷ đồng.
Theo chủ tịch Đào Ngọc Than, tình hình kinh doanh quý 1/2023 của Vinaconex đã tốt hơn khi đầu tư công đến ngày hái quả. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Được biết, lô VCGH2123001 có thời hạn 3 năm và được phát hành vào ngày 15/6/2021 có tổng giá trị theo mệnh giá là 220 tỷ đồng. 4 kỳ điều chỉnh lãi suất đầu tiên có lãi suất cố định là 8,5%/năm, lãi suất áp dụng cho các kỳ còn lại là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 3%/năm.
Vinaconex sử dụng toàn bộ số tiền từ đợt phát hành để tham gia hợp tác đầu tư cùng CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) phát triển phân khu cao tầng và các hạng mục hạ tầng của Dự án Cát Bà Amatina.
Dự án Khu đô thị Du lịch Cát Bà Amatina có diện tích 172 ha với tổng mức đầu tư 10.942 tỷ đồng do CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex ITC (Vinaconex sở hữu 51%) làm chủ đầu tư. Dựa vào báo cáo thường niên năm 2022 của VCG có thể thấy, dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2023 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2025.
Tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 14/4 vừa qua, Cát Bà Amatina là một trong những chủ đề được cổ đông Vinaconex quan tâm hàng đầu.
Trả lời cổ đông, Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh cho hay, đây là năm thứ 4 VCG tập trung triển khai dự án, hiện công ty đã thanh toán toàn bộ chi phí hạ tầng và dự án đã được hoàn thành pháp lý. VCG hiện tại đang xem xét thị trường, cân nhắc đầu tư hoàn thiện hạ tầng, hoàn thiện những hạng mục mà khách hàng đã trả tiền trước. Do đây là dự án lớn nên HĐQT sẽ phải cân nhắc từng bước thực hiện.
Về tình hình kinh doanh, công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 200 tỷ xuống 1.929,4 tỷ đồng trong quý 4/2022. Tuy nhiên, vì tốc độ giảm của giá vốn nhanh hơn doanh thu, so với cùng kỳ lợi nhuận gộp của VCG vẫn tăng gần 55%, lên 375,5 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm tới 64,6% (về còn 78 tỷ đồng) trong khi các khoản chi phí vẫn duy trì ở mức cao đã khiến lợi nhuận sau thuế giảm (từ 173,74 tỷ xuống còn 80,16 tỷ đồng).
Mặc dù quý 4 giảm mạnh, lũy kế cả năm 2022, so với thực hiện 2021 doanh thu hợp nhất của Vinaconex vẫn tăng 50% (lên 8.629,3 tỷ đồng), trong khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.049,2 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng gấp đôi và hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận của năm.
Đánh giá về tình hình kinh doanh của Vinaconex, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cho biết “khá nhẹ nhõm” với kết quả trong năm 2022, tuy so với kế hoạch thì thấp nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của ngành bất động sản và xây dựng. Ông Thanh cũng cho hay, tình hình kinh doanh quý 1/2023 đã tốt hơn khi đầu tư công đến ngày hái quả, các dự án đã bàn giao và sẽ được quyết toán rồi có dòng tiền.
Thế nào là mua lại trái phiếu trước hạn? Mua lại trái phiếu trước hạn là việc trước ngày đáo hạn, doanh nghiệp mua lại trái phiếu. Điều này có thể do doanh nghiệp có mục tiêu giảm nợ vay, tái cấu trúc các khoản nợ hoặc cũng có thể là theo yêu cầu của trái chủ. Trong đó, điều khoản về việc mua lại trái phiếu trước hạn trong phương án phát hành trái phiếu phải được quy định rõ. “Trái phiếu có thể mua lại” là trái phiếu có kèm điều khoản doanh nghiệp được mua lại trước hạn với mức giá xác định. “Trái phiếu có thể mua lại” là trái phiếu có kèm điều khoản cho trái chủ được bán lại cho doanh nghiệp với mức giá xác định |