Các vấn đề liên quan đến trái phiếu của Vạn Thịnh Phát
Được biết, các bị can, cá nhân tại các công ty liên quan của Vạn Thịnh Phát đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong khoảng thời gian từ năm 2018 - 2019. Nhiều tài sản là bất động sản, tài sản trên đất tại các tỉnh và thành phố được các bị can, cá nhân trong vụ án trên hiện sở hữu hoặc ủy quyền cho người thân sở hữu. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân.
Liệu có cách thu hồi tiền mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát hợp pháp?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật chứng khoán 2019, tổ chức phát hành phải thực hiện công việc sau:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán trái phiếu ra công chúng bị hủy bỏ, công bố việc hủy bỏ chào bán trái phiếu ra công chúng theo phương thức quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Chứng khoán 2019 và thu hồi trái phiếu đã phát hành;
- Hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.
Nếu trong trường hợp công ty Vạn Thịnh Phát hủy bỏ bán trái phiếu thì trong thời hạn 15 ngày nhà đầu tư sẽ được tổ chức phát hành trái phiếu hoàn trả tiền. Nhà đầu tư sẽ được bồi thường thiệt hại nếu quá thời hạn, mức bồi thường sẽ theo các điều khoản đã cam kết.
Như vậy, các cá nhân, tổ chức (hay còn gọi là trái chủ) là nạn nhân của việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ công ty Vạn Thịnh Phát sẽ có quyền yêu cầu trong đơn tố cáo hoặc trong quá trình tố tụng hình sự để có thể được bồi thường lại tài sản do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác đã gây ra theo quy định tại khoản 1 Điều 9 và khoản 2 Điều 10 của Luật tố cáo 2018.
Bên cạnh đó, việc ban lãnh đạo của Vạn Thịnh Phát bị bắt tạm giam, nhà đầu tư có quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản công ty Vạn Thịnh Phát căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật phá sản 2014. Thế nhưng, trường hợp này chỉ áp dụng khi nhà đầu tư không có bảo đảm hoặc chỉ được bảo đảm một phần. Sau khi được tòa án chấp nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản, tài sản của doanh nghiệp sẽ được phân chia theo thứ tự quy định tại khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 54 Luật phá sản 2014. Tuy nhiên, trong trường hợp tài sản của Vạn Thịnh Phát vẫn còn để trả nợ thì khả năng trái chủ vẫn mất từ 10- 50% số tiền đã mua trái phiếu.
Trường hợp đến kỳ hạn thanh toán trái phiếu mà Vạn Thịnh Phát bị mất khả năng thanh toán thế nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyên bố phá sản, trái chủ có thể chọn phương án thỏa thuận hoặc nộp đơn kiện yêu cầu tuyên bố phá sản ra tòa án. Lúc đó, mọi trình tự sẽ theo quyết định của tòa và tuyên bố công ty phá sản thì cũng sẽ theo thủ tục luật định.